Khi nghệ thuật Tuồng, Dân ca kịch, Bài chòi hội tụ
Chỉ mới hơn một nửa chặng đường... và hy vọng còn thật nhiều “kịch” hay ở chặng sau cho một cuộc hội tụ nghệ thuật sân khấu.
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Tuồng, Dân ca kịch và Bài chòi toàn quốc được tổ chức từ ngày 20- 28.10.2018 tại Nhà Văn hóa Lao Động tỉnh Quảng Ngãi đã quy tụ nhiều vở diễn được mong đợi, gây hào hứng với công chúng yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt và Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO phong danh.
Một cảnh trong vở Chàng Lía của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Trong kỳ liên hoan này, 11 đơn vị nghệ thuật trong cả nước tham dự gồm: Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM, Nhà hát Nghệ thuật Khánh Hoà, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh,Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản xứ Nghệ, Hội Nghệ sĩ sân khấu Thừa Thiên Huế, Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi và Hát Hố Quảng Ngãi.
Các đơn vị đã mang về 15 vở diễn, từ 80 - 120 phút/ vở, trong đó nhiều vở nổi tiếng như “Rực lửa Hoàng Cung”, “Sơn Hậu” của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đến từ Đà Nẵng, “Những người mẹ” của Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi và Hát Hố Quảng Ngãi với vở “Núi rừng năm ấy”...
Sức hấp dẫn của Liên hoan là tính hiện đại và sự liên tưởng những vấn đề hiện thực. Đêm khai mạc có “Rực lửa hoàng cung” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đem lại thành công trước hết ở những tìm tòi về tiết tấu và sự phát triển của hành động trong vở diễn. Đấy cũng là một sự phát triển của nghệ thuật Tuồng khi bản sắc vẫn giữ nguyên nhưng tiếp cận gần hơn với sự tiếp nhận của công chúng hôm nay.
Vở tuồng "Rực lửa hoàng cung".
Rất thú vị với “Quyền uy và tội ác” của Trung tâm bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ, với chuyện kịch ở thành Bát Đa nhưng quả là cuộc “hội thảo” về công tác tổ chức với quan niệm chọn người tài hay chọn con ông cháu cha, cũng như những vi phạm và xử lý vi phạm trong xã hội. Đáng chú ý còn có “Chuyện tình làng võ” của đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định là vở diễn “ăn khách” trước công chúng hôm nay nhưng không câu khách từ những tìm tòi của tập thể sáng tạo.
Một vở tuồng được mong chờ đã lâu của Nhà hát tuồng Đào Tấn tỉnh Bình Định biểu diễn, vở “Chàng Lía”, người thủ lĩnh nông dân áo vải sống ở khoảng giữa thế kỷ 18 ở Đàng Trong, do chính quyền suy yếu nên nạn mua quan bán chức lan tràn, có 1 xã nhưng tới 20 lý trưởng… Vì nuôi chí lớn nên Lía đã thu phục đám thảo khấu ở Truông Mây để làm căn cứ, kêu gọi nhân dân dấy binh đánh đổ bọn cường hào, ác bá, tiêu diệt bọn tham quan ô lại đang hà hiếp dân lành bằng sưu cao, thuế nặng…
Hình ảnh thú vị trong liên hoan, đó là “giàn hợp xướng” của các nhạc sĩ dưới sân khấu. Để phụ họa cho các tiết mục, hàng chục nhạc sĩ đã sử dụng nhiều loại nhạc cụ cổ truyền, tạo ra những âm thanh mang đậm chất Việt, đó là sáo, kèn, tử phách, trống cơm, trống đế, mõ, sinh tiền, đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn hồ, đàn tam, tiêu…
Âm thanh của các loại nhạc cụ này được hòa trong tiếng hát và bối cảnh diễn ra trên sân khấu đã khiến người xem cảm nhận được khung cảnh làng quê và người nông dân Việt Nam trong quá khứ vừa phải tần tảo trên cánh đồng, con trâu, luôn tôn vinh cái đẹp, sự thuần khiết và đặc biệt lúc giang sơn nguy biến thì họ tụ nghĩa dưới cờ đào để đánh đổ cái ác, chống giặc ngoại xâm…
Khác với những Liên hoan trước, thường chỉ dựng vở để “đi thi” với đầu tư vì màu cờ sắc áo, nhưng ở Liên hoan này, đích thực nghĩa “liên hoan” với những vở diễn đang diễn trong năm của các đoàn, nhà hát. Diện mạo thực tế sân khấu truyền thống tại đây hiện ra rõ hơn để có cái nhìn đúng hơn về thực trạng sân khấu hôm nay nói chung và sân khấu truyền thống nói riêng.
Do không nặng quan niệm đi thi nên lớp nghệ sĩ trẻ được “ra sân” đông đến bất ngờ với rất nhiều vai chính chứ không còn là vai "cùng toàn thể" và quả đó là động lực cho lớp diễn viên trẻ. Sự xuất hiện đông đảo của các nghệ sĩ trẻ như một khẳng định về sức sống và tương lai của sân khấu.
Trong lúc các loại hình nghệ thuật biểu diễn của các tỉnh trên cả nước đang trên đà sát nhập, nguy cơ nghệ thuật truyền thống dần bị mai một, các nghệ sĩ một đời say nghề, yêu nghề ngơ ngác trước sự tấn công của các hình thức nghệ thuật hiện đại khác thì cuộc Liên hoan này như một viên nam châm hút niềm say mê và thắp lửa cả trong nghệ sĩ và khán giả.
Vở diễn "Chuyện tình làng võ".
Những đêm diễn chật cứng khán phòng, những giọt nước mắt xúc động ứa ra từ các hàng ghế chứng tỏ khán giả không hề quay lưng với sân khấu. Và các nghệ sĩ như được tiếp lửa, từ đồng nghiệp, từ khán giả như một sự cộng hưởng trước khát khao gìn giữ và phát triển di sản nghệ thuật của cha ông.
Tuy nhiên, từ nửa chặng đường của Liên hoan cũng đã thấy sự tùy tiện của một số kịch bản và dàn dựng khiến tác phẩm thiếu sức thuyết phục. Cạnh đó còn thấp thoáng những motip quen thuộc đến nhàm chán về chiến tranh như mặc định: Người tốt trong chiến tranh sau nghèo khổ, kẻ xấu trong chiến tranh sau có chức quyền hay giàu có , hay trong chiến tranh, anh chỉ huy yêu một cô nhưng cô đó yêu anh khác, “anh tốt” bị điều vào nơi nguy hiểm, cô gái có thai vì tình yêu dâng hiến bị đuổi về hậu phương...
Chỉ mới hơn một nửa chặng đường... và hy vọng còn thật nhiều “kịch” hay ở chặng sau cho một cuộc hội tụ nghệ thuật sân khấu Tuồng, Dân ca kịch và Bài chòi trọn vẹn, nhiều cảm xúc./.
Theo Hoài Hương (VOV.VN)