Đại biểu Quốc hội sốt ruột về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế
Tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội sáng nay 26/10, nhiều đại biểu đánh giá chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được nêu ra tại Nghị quyết TƯ6 của Đảng và Nghị quyết 56 của Quốc hội là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri, bước đầu có những kết quả tích cực như giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục, giảm hơn 86.000 biên chế...
Đại biểu Cao Đình Thưởng, đoàn Phú Thọ
Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Đình Thưởng- đoàn Phú Thọ, do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thực tế thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và nhiều nơi còn lúng túng.
“Mỗi nơi làm một cách khác nhau, trong khi chúng ta chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân lên diện rộng. Nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc giảm đầu mối và tinh giản bộ máy còn nặng tính cơ học, ví dụ như việc sáp nhập giữa cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước. Việc sáp nhập các phòng, ban, sở ngành một số tổ chức chính trị và nghề nghiệp... chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật, đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo đồng bộ để thực hiện thống nhất trên toàn quốc”, đại biểu Cao Đình Thưởng kiến nghị.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn Hải Dương
Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn Hải Dương nêu thực tế: Việc tinh giản biên chế khó đạt mục tiêu giảm tối tiểu 10% từ nay đến năm 2021. Số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan bộ thuộc chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn nhiều đầu mối , nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả . Việc xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa thật sự quyết liệt...
Đại biểu Thăng cũng nêu nguyên nhân là do việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy hành chính của Nhà nước còn chậm. Nghị quyết 56 của Quốc hội đã nêu rõ, trong năm 2018, phải hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, văn bản về chức năng, nhiệm vụ , cơ cấu tổ chức , cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực... Tuy nhiên, gần hết năm 2018 mà nhiều văn bản chưa được ban hành.
Từ thực tế trên, đại biểu Phạm Xuân Thăng đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật công chức, luật viên chức ... để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy nhà nước, các chủ trương về nhất thể hóa một số chức danh, nhất là việc hợp nhất một số cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Bạc Liêu
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Bạc Liêu, việc tinh giản biên chế chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chưa tinh giảm được các đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ và năng lực yếu kém. Ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chi trả lương vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Chia sẻ quan điểm, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai, tuy nhiên, đại biểu Hạ cho rằng, đã đến lúc cần phải nhận thức rõ ràng: ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi mà hàng năm, chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước. Số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh. Đại biểu đoàn Bạc Liêu đặt câu hỏi “Vậy còn đâu để đầu tư cho phát triển?”. /.
Theo Hương Giang (VOV.VN)