Quy định về trách nhiệm nêu gương: Giám sát cao nhất là nhân dân
Sáng 26.10, bên hành lang Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, trao đổi với báo giới về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề cập đến nhiều khía cạnh của văn hóa từ chức.
Ngày 25.10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) bày tỏ sự tán thành cao và khẳng định đây là việc làm rất cần thiết vì người xưa có câu: "Thượng bất chính hạ tắc loạn". Việc nêu gương phải xuất phát từ các cấp trên, từ trong cuộc sống đến công việc.
ĐB Lê Công Nhường (Bình Định).
Khoản 8 Điều 2 của Quy định nêu "Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ". ĐB Lê Công Nhường đánh giá đây là điểm mới.
"Nếu người đứng đầu soi lại bản thân thấy không đủ năng lực thì cũng nên có văn hóa từ chức. Điều này giống như một số nước, khi thấy không đủ năng lực lãnh đạo điều hành thì một số nhà lãnh đạo đã từ chức để nhường cho người khác" - ĐB Nhường nêu.
Cũng theo đại biểu, khi ban hành Quy định này, Bộ Chính trị sẽ có biện pháp giám sát, mà giám sát cao nhất là nhân dân, thông qua Mặt trận tổ quốc, qua phản ánh của cử tri về lối sống, điều hành của các lãnh đạo.
Nên xem việc từ chức trên bình diện nhiều khía cạnh
Cùng nhận định về Khoản 8 Điều 2 của Quy định, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đây là quy định "rất hay, rất tuyệt vời".
ĐB đoàn Hà Nội thẳng thắn phân tích: "Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã đề cập đến văn hóa từ chức nhưng chưa thực hiện được vì đặc điểm của người Việt Nam là duy tình hơn duy lý. Điều này ai cũng thừa nhận. Ở khía cạnh khác, không dễ gì những người có quyền lực từ chức vì quyền lực luôn gắn với quyền lợi, với tha hóa. Do đó, không thể tự nhiên có được văn hóa từ chức. Vì vậy, cần có luật từ chức thì dựa trên luật, người ta phải buộc từ chức. Rồi sau thấm dần, lúc đó mới có văn hóa từ chức".
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng: "Từ trước đến giờ, chúng ta hay chú ý đến khía cạnh có sai sót thì mới phải từ chức. Trong dư luận, xã hội, gia đình, việc từ chức là một dạng của cách chức. Đó là một quan niệm sai nhưng không dễ gì sửa được. Trong khi từ chức có rất nhiều lý do như làm sai, kém năng lực, không được tín nhiệm, sức khỏe yếu… Thậm chí, trong ê kíp làm việc không thuận cũng có thể từ chức. Điều này là rất lịch sự".
"Năm 1993, tại Nhật Bản có 3 thủ tướng tử chức. Nhiều vị Thủ tướng nhậm chức trong 3 tháng thấy không làm được thì từ chức. Người đó vẫn tiếp tục hoạt động chính trị chứ không phải là từ chức là cách chức, là mất luôn. Từ chức vẫn bảo tồn cho họ các giá trị và để khi có cơ hội, người ta có thể thể xuất hiện trở lại trên chính trường. Vì thế, chúng ta nên xem việc từ chức trên bình diện nhiều khía cạnh. Lúc đó, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng, văn hóa từ chức sẽ ra đời. Tôi đề nghị nên xây dựng Luật Từ chức" - Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.
Theo HNM