TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
“Tiếp sức” cho ngư dân giữ nghề, bám biển
Tham gia thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào chiều 26.10, ÐBQH Ðoàn Bình Ðịnh Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN - đã có nhiều kiến nghị xung quanh vấn đề hỗ trợ ngư dân ổn định cuộc sống, bám biển, giữ nghề.
Đại biểu Lê Công Nhường bày tỏ mối quan tâm đặc biệt xung quanh Nghị quyết Trung ương 8 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu Lê Công Nhường phát biểu thảo luận vào chiều 26.10.
Để ngư dân không “cô đơn”
Ông Lê Công Nhường nêu một thực tế đáng lo ngại là với “làn sóng” du lịch được các địa phương “ưu ái”, nhiều làng chài - nhất là dọc biển miền Trung - đã nhường đất cho các dự án du lịch. Đáng nói là quy hoạch của không ít dự án này đã không dành chỗ ở cho ngư dân và nơi neo đậu tàu thuyền. Hàng rào của các khu resort, khách sạn, biệt thự liền kề đã ngăn lối đi lại của người dân đến với biển. Ngư dân được đưa vào các khu tái định cư sâu trong đất liền dần phải bỏ biển và gặp khó khăn trong tìm việc làm mới. Làng chài mất, một số nghề truyền thống gắn với biển cũng mai một, như nghề làm nước mắm.
“Sắp đến có chủ trương làm đường ven biển thì cơn lốc du lịch ở vùng biển càng dữ dội, thực trạng làng chài và làng nghề mất đi sẽ càng nhiều. Đề nghị Chính phủ phải có quy định cụ thể hơn trong phát triển du lịch ven biển, như phải dành quỹ đất tái định cư cho ngư dân ở ngay ven biển, bảo đảm thuận lợi cho sinh hoạt và hoạt động nghề biển. Phải đảm bảo đời sống xã hội của cộng đồng dân cư các làng chài và nghề truyền thống của họ”, ông Nhường đề nghị.
Nhiều lần tiếp xúc cử tri vùng biển, lắng nghe và thấu hiểu nỗi khổ của bà con, đại biểu Lê Công Nhường tha thiết đề nghị quá trình thu hút đầu tư, các địa phương cần ưu tiên các dự án du lịch có gắn kết với hoạt động nghề biển, như cùng ngư dân cải tạo nhà ở thành các homestay, thiết kế lại làng biển để cùng làm du lịch. Mặt khác, để người dân không bỏ biển, Chính phủ cần tăng cường năng lực cho các lực lượng bảo vệ ngư dân để họ không “cô đơn” trước những mối hiểm nguy giữa biển khơi.
Tàu cá vỏ thép của ngư dân huyện Phù Cát hư hỏng sau khi đóng mới, nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi. Ảnh: TIẾN SỸ
Cần hiện đại hóa nghề cá
Cũng liên quan đến đời sống ngư dân, theo đại biểu Lê Công Nhường, nhiều chính sách hỗ trợ rất đúng đắn đã được ban hành, song khâu kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chưa tốt dẫn đến hiệu quả chưa như mong đợi.
Điển hình là việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay đã bộc lộ không ít hạn chế. Cá biệt, nhiều gia đình ngư dân lâm vào cảnh nợ nần và đến nay chưa giải quyết xong. Tại Bình Định có 19 tàu sắt hư hỏng sau khi đóng mới, ngư dân nợ lãi suất quá hạn 7%. Các công ty đóng tàu chỉ hỗ trợ 1%, 6% còn lại còn chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ lãi suất quá hạn trong thời gian tàu nằm bờ do hư hỏng cho ngư dân”, ông Nhường bày tỏ.
Đại biểu Nhường cũng đề xuất cần có chính sách khôi phục và phát triển các HTX, các DN và tập đoàn hoạt động trên lĩnh vực thủy sản. Các HTX hay DN nên đứng ra đóng tàu sắt, tàu hiện đại để khai thác và làm dịch vụ hậu cần, tạo điều kiện để ngư dân làm việc trên tàu; hoặc cho ngư dân đấu giá thuê tàu và thuê thuyền viên đi biển, qua đó giảm rủi ro cho họ.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề khai thác thủy hải sản, tiến dần đến nền “kinh tế biển chia sẻ”, để sử dụng tàu thuyền và nhân lực đi biển hiệu quả nhất. Bộ cũng cần có khảo sát, qua đó phân bổ hợp lý sản lượng khai thác cho các tỉnh để đảm bảo thu nhập cho ngư dân. Cùng với đó là xây dựng các khu neo đậu tàu cá cũng như làm dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm thị trường tiêu thụ bền vững cho ngư dân.
Đào tạo nghề cho ngư dân
Toàn tỉnh hiện có 6.345 phương tiện nghề cá với 44.350 lao động; trong đó có 3.673 tàu công suất từ 90CV trở lên khai thác hải sản vùng biển xa bờ với khoảng 34.000 lao động. Theo số liệu của Sở NN&PTNT, đến nay tỉnh chỉ mới thực hiện phối hợp bồi dưỡng chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho khoảng 4.000 người, tập huấn nghề cho khoảng 3.000 người đi biển. Chưa hết, số lao động chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, nhiều tàu không thể ra khơi vì thiếu “bạn”.
Ðể khắc phục tình trạng này, đại biểu Lê Công Nhường cho rằng Bộ LÐ-TB&XH và Bộ NN&PTNT cần quan tâm đào tạo nghề biển, nhất là tập trung hướng dẫn kỹ thuật điều khiển tàu sắt, kỹ thuật khai thác và bảo quản hải sản theo công nghệ mới. Qua đó, giảm tổn thất và nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy định mới về việc kiểm soát các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) của EU.
NGUYỄN VĂN TRANG