Công tác phòng chống mại dâm: Còn nhiều việc phải làm
Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, vấn đề phòng, chống mại dâm cần phải được quan tâm nhiều hơn.
Sự nở rộ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, đang tạo thêm áp lực trong công tác phòng, chống.
- Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra tại một quán bar.
Phòng ngừa là chính
Cuối năm 2016, Bình Định có 2 địa phương được Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen về thành tích 10 năm liền đạt xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội: xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) và phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn).
“Hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm ban hành hơn 15 năm nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định, một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới”.
Ông PHAN ĐÌNH HÒA, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH
Ở xã Nhơn Lộc, chính quyền địa phương cũng dựa vào sức mạnh của hương ước, tộc ước, xây dựng mô hình “Tộc họ nói không với tội phạm” để ngăn ngừa, phòng chống tệ nạn mại dâm. Trong khi đó, dù là địa bàn phát triển về kinh doanh, dịch vụ vui chơi, giải trí, song nhờ vào gần 80% dân số là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước với trình độ dân trí cao, phường Lý Thường Kiệt có nhiều thuận lợi trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào phong trào phòng chống tệ nạn mại dâm.
9 tháng đầu năm 2018, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục ký kết hợp đồng trách nhiệm với 18 UBND xã, phường, thị trấn duy trì và xây dựng địa phương lành mạnh không để phát sinh tệ nạn mại dâm, ma túy. Đồng thời, chỉ đạo trực tiếp 18 cộng tác viên truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội ở 18 xã, phường, thị trấn trọng điểm ma túy, mại dâm thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại địa bàn. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh hơn khi ngành cũng ký kết với CA tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố trong phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; lắp đặt pano tuyên truyền tại khu vực đông dân cư.
Nguy cơ mới phát sinh
Sự phát triển, nở rộ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, kinh doanh karaoke và massage, vũ trường, nhà hàng, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn..., nhất là ở TP Quy Nhơn, dọc QL 1A, QL 19, gần khu du lịch sinh thái, khu công nghiệp đang là một thách thức lớn cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. Bên cạnh đó, quan điểm, nhận thức về công tác phòng, chống mại dâm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thống nhất nên chỉ đạo triển khai không kiên quyết, triệt để dẫn đến tình trạng tồn tại các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm công khai, thách thức dư luận. Một bộ phận dân cư, thanh thiếu niên, do nhận thức không đầy đủ về tác hại của tệ nạn, đã tham gia dưới các hình thức bán dâm, môi giới, chứa mại dâm.
Và những bất cập
Theo ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm ban hành hơn 15 năm nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định, một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.
Ví dụ, khái niệm mại dâm hiện hành không bao quát được các hành vi mới như mua bán dâm giữa những người đồng tính; các hành vi liên quan đến mại dâm như kích dục, khiêu dâm... Hoặc, thiếu chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm như: khiêu dâm, kích dục; một số hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội như tổ chức, bảo kê cho hoạt động mại dâm. Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị quyết số 24/2012/NQ-QH13 chưa có cơ chế, chính sách, dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm xã hội của người bán dâm tại cộng đồng...
Công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm hiện nay cần cơ chế điều phối, thúc đẩy sự phối hợp và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội và người dân.
* Trong 9 tháng đầu năm 2018, Ðội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh phối hợp với Phòng PC 45, CA tỉnh và chính quyền một số xã, phường, thị trấn trọng điểm tổ chức thâm nhập, kiểm tra và nắm bắt tình hình thực tế hơn 40 cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện hoạt động mại dâm, nhất là địa bàn TP Quy Nhơn và các xã, phường, thị trấn trọng điểm hoạt động mại dâm dọc QL 1A, QL 19.
* Trước đó, trong giai đoạn 2011-2015, các lực lượng chức năng của tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 277 lượt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhất là các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, quán karaoke, massage… có nghi vấn hoạt động mại dâm. Phát hiện 210 lượt cơ sở vi phạm; xử lý cảnh cáo 58 lượt cơ sở, phạt tiền 152 lượt cơ sở, rút giấy phép kinh doanh 2 trường hợp, đình chỉ kinh doanh 7 trường hợp. Công an các cấp đã truy quét, triệt phá 132 lượt các ổ nhóm, tụ điểm mại dâm nơi công cộng, vùng giáp ranh, quán cà phê đèn mờ, quán giải khát… trá hình để hoạt động mại dâm.
NGUYỄN MUỘI