Cần phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ rừng
Ngày 27.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề KT-XH năm 2018 và kế hoạch 2 năm 2019 - 2020. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đánh giá cao những kết quả, thành tựu đạt được, những nhận định và định hướng giải pháp trong phát triển KT-XH của đất nước thời gian qua và giai đoạn tới như báo cáo Chính phủ đã trình bày.
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu tại phiên thảo luận ngày 27.10.
Theo ĐB Hạnh, trước hết cần khẳng định công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả rất tốt, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và mở ra nhiều thời cơ, vận hội lớn cho đất nước. Cử tri rất quan tâm, theo dõi các hoạt động trên lĩnh vực ngoại giao.
Phân tích trước những thuận lợi, thời cơ và thách thức khi nước ta đang hội nhập sâu rộng, ĐBQH Lý Tiết Hạnh kiến nghị: “Bên cạnh việc thông tin tuyên truyền sâu rộng cho người dân về chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chúng ta cần chú trọng tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động cụ thể để tạo môi trường cho người dân và các DN có thể chủ động tham gia, tiếp cận, tìm hiểu. Đồng thời, cũng cần quan tâm hơn công tác dự báo tình hình, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách tư pháp, tiếp cận pháp luật… Qua đó tạo thế chủ động, tạo khí thế, niềm tin, sự đồng thuận cao cho người dân và các thành phần kinh tế nước ta trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay”.
Về bảo vệ, phát triển rừng, đây là vấn đề mà ĐB Hạnh rất trăn trở, quan tâm góp ý kiến tại nhiều kỳ họp Quốc hội, vì tác động trực tiếp đến nhiều người dân với các chính sách liên quan về đất đai, giảm nghèo bền vững, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số…
ĐB Hạnh cho rằng báo cáo của Chính phủ nêu rõ vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác đá, cát, sỏi, phá rừng trái phép; tuy nhiên, phần giải pháp chỉ nêu chú trọng bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là chưa thỏa đáng, chưa thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm của Chính phủ.
“Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo kiên quyết, xử lý nghiêm minh tình trạng khai thác đá, cát, sỏi, phá rừng trái pháp luật, không để tái diễn những hành vi vi phạm nêu trên”, bà nói.
Từ những hạn chế nói trên, ĐB Hạnh tiếp tục kiến nghị một số giải pháp. Trong cơ cấu phân loại rừng, cần hết sức chú ý tỉ lệ rừng trồng và rừng kinh tế. Gắn việc trồng rừng kinh tế để tạo nguồn lực với mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Vì vậy cần quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân; đồng thời kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện để đảm bảo không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc trồng rừng kinh tế để phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Trong công tác bảo vệ phát triển rừng cần phải đảm bảo nguyên tắc là dựa vào dân và phát huy vai trò của nhân dân, chỉ khi nào người dân thực sự gắn bó với rừng và người dân sống được với nghề rừng thì rừng mới được bảo vệ và phát triển bền vững.
ĐB Hạnh tiếp tục đề xuất cần xem xét, nâng cao mức khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cho các hộ dân, đảm bảo cấp đủ, kịp thời cho dân; đồng thời cần bố trí đủ lực lượng kiểm lâm làm công tác quản lý rừng, trước hết là đủ theo quy định của pháp luật.
SỸ NGUYÊN