Phòng ngừa bệnh đại tràng co thắt
Đại tràng co thắt hay còn có tên gọi khác là hội chứng kích thích ruột, là một hội chứng rối loạn chức năng đại tràng, gây ra nhiều hệ lụy như: tiêu chảy, táo bón kéo dài, đau bụng, chướng bụng đầy hơi, phân ở thể lỏng, nát… Nguyên nhân của viêm đại tràng co thắt rất đa dạng như: viêm đường ruột bởi ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh; rối loạn nhu động ruột; dùng quá nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn; rối loạn tâm thần, sang chấn tâm thần…
Viêm đại tràng co thắt thường đau vùng bụng ở dưới rốn, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu, dễ gây nhầm với bệnh đau dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Khoa Nội trung cao, BVĐK tỉnh cho biết: Bệnh viêm đại tràng co thắt có rất nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng điển hình nhất là đau bụng với nhiều biểu hiện khác nhau. Có thể đau sau khi ăn, đau khi ăn no, đặc biệt là đau sau khi ăn một số thức ăn lạ, chua, cay, lạnh… Khi căng thẳng, cơn đau xuất hiện nhiều hơn. Viêm đại tràng co thắt thường đau vùng bụng ở dưới rốn, đau quặn, ợ hơi, đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu, dễ gây nhầm với bệnh đau dạ dày. Hầu hết người bệnh đều cho biết hết cơn đau bụng sau khi đi đại tiện, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân viêm đại tràng co thắt mạn tính thì vừa đi ngoài xong đã xuất hiện cơn đau quặn bụng khác muốn đi ngoài tiếp. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.
Điều trị theo triệu chứng nổi trội cùng với biện pháp vệ sinh, chế độ ăn uống là hợp lý và hữu ích như ăn chậm, nhai kỹ, đúng giờ, sống điều độ, hoạt động thể lực vừa phải. Biện pháp dinh dưỡng: trong mọi trường hợp cần bỏ các loại thức ăn kích thích niêm mạc tiêu hóa như bỏ rượu, cà phê, trà, gia vị; không ăn thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ, không ăn sống. Nếu táo bón thì tăng dùng rau xanh nấu chín. Dùng thuốc điều trị bệnh như thuốc chống tiêu chảy, thuốc tăng vận động ruột, thuốc chống táo bón, thuốc chống đau: chống co thắt, thuốc chống trầm cảm, an thần… nhưng phải có chỉ định của bác sĩ.
Để phòng bệnh đại tràng co thắt cần uống nhiều nước mỗi ngày, không để cơ thể lâm vào tình trạng táo bón, tiêu chảy. Nên ăn sữa chua đều đặn, một ly mỗi ngày. Tăng cường hấp thụ các thực phẩm có chất xơ hòa tan như cà rốt, khoai tây, khoai lang, ngũ cốc…, giúp dạ dày tiêu hóa dễ dàng hơn và cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Ăn nhiều các loại trái cây, hoa quả nhiều vitamin và tốt cho dạ dày như cam, bưởi, chuối, táo...
THU PHƯƠNG