Bảo tồn “di sản kéo co”
Có thể một số người sẽ bật cười khi đọc tên bài viết. Kéo co từng là trò chơi dân gian phổ biến, xuất hiện trên nhiều tài liệu, phù điêu, tác phẩm điêu khắc dân gian. So với nhiều môn thể thao khác, môn thể thao đồng đội này không cần nhiều về điều kiện sân bãi, dụng cụ. Tưởng cũng cần nhắc lại rằng, từ tháng 12.2015 “Nghi lễ và trò chơi kéo co” ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giải kéo co Khối thi đua Nội chính tỉnh vừa được tổ chức thành công vào sáng 27.10 vừa qua.
Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển tỉnh, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh, một trong những môn thể thao khuấy động không khí sôi nổi, vui tươi, thu hút đông khán giả cổ vũ nhất chính là kéo co. Qua thống kê, trong Đại hội TDTT năm 2017 - 2018 từ cấp phường, xã, thị trấn đến cấp huyện, thành phố, thì kéo co cũng nằm trong số những môn thể thao được lựa chọn tổ chức nhiều nhất.
Vừa qua, Giải kéo co Khối thi đua Nội chính tỉnh năm 2018 dù được tổ chức ở Trại giam Kim Sơn (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân), xa xôi là vậy nhưng giải vẫn thu hút tới 8 đội thi từ Quy Nhơn vượt đường xa về hào hứng giao lưu thi đấu cùng chủ nhà. Được tổ chức nhiều như vậy, thu hút đông đảo như vậy thì sao lại phải đặt ra vấn đề bảo tồn?
Xin thưa, dù phong trào thi đấu trong tỉnh có mạnh nhưng người chơi kéo co chủ yếu chỉ dùng sức chứ gần như chưa biết đến kỹ thuật, chiến thuật thi đấu, dẫn đến khá nhiều trường hợp trật khớp tay, chân hoặc choáng váng ngất xỉu khi quá sức. Nếu nghĩ lại từ tên gọi sẽ thấy gần như người chơi chỉ mới có “kéo” chứ chưa “co”!
Để giữ gìn di sản văn hóa này đồng thời duy trì, phát triển môn kéo co, có lẽ nên mở những lớp tập huấn giúp những người làm công tác thể thao phong trào hiểu rõ về luật thi đấu, cách thức tổ chức thi đấu, phương pháp huấn luyện cơ bản môn kéo co, được như vậy chắc chắn môn thể thao truyền thống này sẽ có diện mạo mới, hấp dẫn hơn.
MAI THƯ