Công tác bảo tồn văn hóa các vùng dân tộc thiểu số: Cần nỗ lực nhiều hơn
Nhiều năm qua, dù có chính sách động viên nhưng kết quả công tác bảo tồn, phát huy văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta vẫn còn ít ỏi, hiệu quả chưa rõ ràng, không đồng đều giữa các địa phương.
Bình Định hiện có 31 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang cư trú, trong đó chủ yếu là dân tộc Bana, H’rê, Chăm H’roi. Các ban của HĐND tỉnh đã thực hiện nhiều đợt giám sát về việc gìn giữ phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, kết quả thực hiện chính sách phát triển văn hóa ở vùng DTTS.
So với các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số, Vĩnh Thạnh là địa phương có nhiều nỗ lực truyền dạy, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt nhất.
- Trong ảnh: Hội thi các CLB cồng chiêng thanh niên huyện Vĩnh Thạnh diễn ra vào tối 15.10 vừa qua.
Nỗ lực giữ gìn
Những năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Nhà nước đã hỗ trợ nhiều làng, xã Bana, Chăm H’roi, H’rê xây dựng nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhưng do thiếu kiểm soát, giám sát nên bản sắc văn hóa dân tộc trên công trình kiến trúc phai nhạt đi nhiều. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, tiêu biểu như “Văn hóa người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định” của Nguyễn Xuân Nhân - Đoàn Văn Téo (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản năm 2011), thì cộng đồng Chăm H’roi chỉ có các kiểu nhà sàn chứ không có nhà rông… Vậy nhưng một số làng Chăm H’roi vẫn… hồn nhiên xây dựng nhà rông với đường nét kiến trúc hao hao Bana làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Toàn cầu hóa đã tác động đến tận các làng xa
Quá trình hội nhập tác động qua lại, tiếp thu lẫn nhau ít chọn lọc khiến bản sắc văn hóa truyền thống bị pha trộn. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, quá trình toàn cầu hóa với sức lan tỏa của công nghệ thông tin đã lan tỏa đến từng ngóc ngách buôn làng, cũng làm nhạt nhòa nhiều sinh hoạt văn hóa có tính đặc trưng. Rất nhiều thanh niên là người dân tộc thiểu số không biết viết chữ viết của dân tộc mình, thậm chí bắt đầu xuất hiện một số thiếu niên không biết nói tiếng nói dân tộc mình. Trong bối cảnh đó, các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan đát vắng bóng, các sinh hoạt trình diễn nghệ thuật truyền thống cũng thưa hẳn…
Theo thống kê của huyện Vân Canh, toàn huyện có 24/28 làng đồng bào DTTS được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Tuy nhiên hầu hết các nhà văn hóa đều chưa thể hiện đúng hoa văn, họa tiết với kiến trúc truyền thống cộng đồng đồng bào sử dụng. Có thể nói đây là một cơ hội bị bỏ lỡ rất đáng tiếc.
Tài liệu thống kê hiện tại, Vĩnh Thạnh có 27 nhà rông. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh, cung cách, cấu trúc nhà rông tại Vĩnh Thạnh nhìn chung không đúng, xây dựng bằng bê tông thì rất khó dựng lên được hồn cốt dân tộc. Một vấn đề nữa là cũng cần nghiên cứu trả lại tên gốc của các làng tại Vĩnh Thạnh, vốn đã được chuyển sang bí danh để đảm bảo bí mật trong chiến tranh.
Tình trạng thiếu người kế thừa cũng là điều đáng quan tâm. Nếu như Vĩnh Thạnh làm tương đối khá việc truyền dạy bằng các hình thức như đem cồng chiêng, thổ cẩm, dân vũ, đan đát vào trường học, thành lập CLB cồng chiêng, tổ chức các ngày hội ở địa phương thì ở Vân Canh, đặc biệt là An Lão, hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, kết quả rất hạn chế.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, bên cạnh sự tác động của yếu tố KT - XH, ý thức bảo tồn của người dân chưa cao thì nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào DTTS còn thiếu và chưa kịp thời. Mặt khác, do đời sống khó khăn, các sản phẩm văn hóa như cồng chiêng, ché cổ… bị mang đi bán, hoặc đánh cắp, do vậy công tác bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS trên địa bàn huyện chưa đạt hiệu quả cao.
Cần thực hiện “đến nơi đến chốn”
Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”, giao Sở VH-TT&DL (này là Sở VH&TT) là cơ quan chủ trì, triển khai phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện. Kế hoạch thực hiện Đề án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2011 - 2015) và giai đoạn 2 (2016- 2020) với những mục tiêu cụ thể.Kế hoạch chi tiết thế nhưng đến nay, hiệu quả đến đâu thì không rõ ràng lắm.
Công tác trưng bày, lưu giữ văn hóa đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cũng không được đảm bảo. Bảo tàng Tổng hợp Bình Định hiện lưu giữ trên 200 hiện vật của các tộc người Bana, Chăm H’roi, H’rê. Tuy nhiên do hạn chế về diện tích, Bảo tàng chỉ trưng bày khoảng 50 hiện vật, số hiện vật còn lại được bảo quản trong kho của Bảo tàng.
Năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh bắt đầu triển khai hoạt động hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Dự án sẽ cấp 119 bộ cồng chiêng cho đồng bào DTTS ở 6 huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Phù Cát, Hoài Ân, Tây Sơn. Theo đại diện của Ban Dân tộc, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức nghiệm thu tại địa phương để người dân, đặc biệt là các già làng trực tiếp góp ý vào sản phẩm mà đồng bào họ sẽ sử dụng. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, hy vọng Dự án sẽ hoàn thành đúng thời gian, đạt chất lượng cao để có thể tạo ra một điểm nhấn, một động lực đủ mạnh.
Tại đợt giám sát về “Công tác bảo tồn và kết quả thực hiện chính sách phát triển văn hóa ở vùng DTTS” của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh vừa rồi, nhiều kiến nghị, góp ý đã được đưa ra. Bà Trần Thị Huyền Trang, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh bày tỏ, để lưu giữ lại giá trị văn hóa phải ghi chép lại, thu đĩa CD cho con cháu đời sau có cái mà tìm hiểu, bên cạnh đó cần phải mở ra biên độ thẩm mỹ của các giá trị văn hóa bằng cách trưng bày và đặc biệt phải chú trọng công tác trao truyền “nắm tay chỉ ngón”... Tuy nhiên, để công tác bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS thật sự hiệu quả cần thực hiện quyết liệt, đến nơi đến chốn.
THẢO KHUY