10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008 - 2018): Thêm nhiều “tế bào” khỏe mạnh
Sau 10 năm triển khai, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của gia đình, từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình.
Ngày 30.10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh.
Hội thi tìm hiểu về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới là một trong những kênh truyền thông nâng cao nhận thức có hiệu quả.
Nhiều mô hình hiệu quả
Luật PCBLGĐ ra đời là hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các mô hình, nhóm phòng, chống BLGĐ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 122 mô hình PCBLGĐ. Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở bảo trợ, tư vấn về PCBLGĐ đã được thành lập tại 126 trong tổng số 159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các cấp hội đoàn thể phối hợp ban thôn vận động xây dựng được 415 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, đảm nhiệm tư vấn, giải quyết mâu thuẫn BLGĐ, trợ giúp nạn nhân bị BLGĐ.
Việc triển khai thi hành Luật PCBLGÐ trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Hoạt động của một số địa phương chưa đồng bộ, việc triển khai chưa thực sự đi vào chiều sâu. Chính quyền địa phương, một số ngành chức năng cấp cơ sở còn có những nhận thức chưa đầy đủ các kiến thức về PCBLGÐ; trong quá trình xử lý một số vụ việc về BLGÐ chưa được triệt để, diễn ra kéo dài. Việc phát hiện, thống kê thu thập thông tin về BLGÐ rất khó khăn. Trình độ dân trí ở một số địa phương không đồng đều, nên hạn chế đến sự tiếp thu kiến thức về PCBLGÐ; chưa có ý thức tự giác trong việc phát hiện, tố cáo hành vi BLGÐ.
Bên cạnh đó, một số địa chỉ tạm lánh cũng đã được hình thành, tiếp nhận, chăm sóc y tế và hỗ trợ, tư vấn nạn nhân BLGĐ. Đến tháng 8.2018, Bình Định đã có 169 CLB “Gia đình phát triển bền vững” cùng một số mô hình, CLB khác như: mô hình “5 không, 3 sạch”, “Trợ giúp pháp lý”, “Gia đình hạnh phúc”... với hơn 1.800 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Thành lập từ năm 2010, CLB Gia đình hạnh phúc thôn Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) hiện tập hợp 28 gia đình văn hóa, hòa thuận. 75% số gia đình tại CLB có con học giỏi. Chị Nguyễn Thị Bé, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “CLB duy trì sinh hoạt thường xuyên với các nội dung thiết thực về kiến thức PCBLGĐ, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa... Có 6 cặp vợ chồng vốn thường xuyên mâu thuẫn, bạo lực đã chuyển biến, hòa thuận sau khi tham gia sinh hoạt tại CLB”.
Thấm sâu vào đời sống
Tác động của Luật PCBLGĐ biểu hiện rõ trước nhất trong những nếp nhà từng là nơi diễn ra cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”.Thẳng thắn thừa nhận mình từng là người nóng tính, hay uống nhiều rượu bia, say rồi về đánh đập vợ con, ông Phạm Văn Phước (50 tuổi, ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) bộc bạch: “Tham gia vào CLB Gia đình hạnh phúc của thôn, tôi thấm dần và thay đổi suy nghĩ. Rồi tôi tự hỏi - người khác cũng đánh mình thì mình nghĩ sao? Để kiềm chế tật xấu này, tôi hạn chế rượu chè, lập tức gia đình tôi yên ấm hẳn. Con cái cũng nghe lời, thương tôi hơn. Lúc trước tụi nó lầm lì, ham chơi, gần như không chịu nói chuyện với tôi! Tôi thấy mừng vui vô cùng!”.
Chị Nguyễn Thị Năm (42 tuổi, một thành viên của CLB Gia đình hạnh phúc Trường Cửu) góp thêm: “Nhờ vào các buổi sinh hoạt, các ông chồng có tâm lý cởi mở, lắng nghe vợ hơn, xóa bỏ được suy nghĩ: tôn trọng vợ, làm theo điều phải mà vợ góp ý là sợ vợ. Phụ nữ chúng tôi thì được học cách chăm con, dạy con, cách để nói sao cho dễ nghe hơn, vợ chồng hóa giải được những hiểu lầm”.
Ông Lê Văn Hơn, Chủ nhiệm CLB ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới và Nhóm phòng, chống bạo lực thôn Lộc Thượng (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), phân tích: “BLGĐ là chuyện hết sức tế nhị, không dễ để can thiệp, vận động. Nhưng khi các tổ chức, cơ quan cùng phối hợp nhau, thực hiện một cách khéo léo, thấu tình đạt lý thì đạt hiệu quả cao; pháp luật đi vào cuộc sống là nhờ vậy!”.
Bất kỳ ai cũng muốn sống trong một không khí gia đình đầm ấm, cởi mở, con cháu được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức. Khơi dậy được mong muốn ấy, hóa giải những hiểu lầm, xoa dịu những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần là điều mà các đơn vị, hội đoàn thể địa phương đã và đang bắt tay cùng làm. Dẫu công việc này không hề đơn giản nhưng sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ cơ sở đã góp phần làm nên tính hiệu quả.
* Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.495 vụ có hành vi BLGÐ. Tình trạng BLGÐ tồn tại đủ các hình thức khác nhau, song chủ yếu là bạo lực thân thể; đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ, tuổi đời trung bình từ 16 đến 59 tuổi. Người gây ra bạo lực chủ yếu là nam giới. Nguyên nhân chủ yếu là cờ bạc, rượu chè, diện nghèo, thiếu việc làm, kết hôn sớm, ngoại tình, bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về các kỹ năng ứng xử...
* Từ khi Luật PCBLGÐ có hiệu lực đến nay, Cơ quan điều tra 2 cấp đã khởi tố điều tra, truy tố 64 vụ, 70 bị can có liên quan đến hành vi BLGÐ. Trong đó, tội giết người 26 vụ, 26 bị can; tội cố ý gây thương tích 32 vụ, 38 bị can; tội bức tử, hành hạ người khác 2 vụ, 2 bị can; bạo lực tình dục 4 vụ, 4 bị can.
* Trong 10 năm qua, có khoảng 50.000 buổi tuyên truyền và 10,25 triệu lượt người được tiếp nhận thông tin liên quan đến Luật PCBLGÐ. Các sở, ngành đã tổ chức biên soạn, phát hành 4.500 cuốn tài liệu hỏi - đáp pháp luật trong đó có liên quan về PCBLGÐ để cấp phát cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở làm tài liệu tuyên truyền cho nhân dân ở địa phương.
NGUYỄN MUỘI