Bất cập quản lý xe tự chế
Tình trạng xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, máy cày kéo rơ-moóc (gọi chung là xe tự chế) tham gia giao thông trên các tuyến đường trong tỉnh vẫn còn xảy ra. Do đó, việc tăng cường quản lý nhà nước gắn với kiểm tra, xử lý các loại phương tiện này cần thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Một xe tự chế đang chở gỗ keo lưu thông trên QL 19.
Vi phạm phổ biến
Không có con số thống kê cụ thể, song toàn tỉnh hiện còn khá nhiều phương tiện xe tự chế đang hoạt động. Các phương tiện đa phần được các cơ sở tư nhân sản xuất nhưng không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Qua theo dõi, những loại phương tiện này không được đăng ký cấp biển số, kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định, nhưng vẫn được người dân sử dụng để vận chuyển hàng hóa trên các QL, tỉnh lộ và đường nội thành, nội thị. Trong đó, tuyến QL 1 đoạn từ Phù Mỹ - Hoài Nhơn, QL 19 qua xã Bình Nghi (Tây Sơn) và các tỉnh lộ 631, 632, 630, 629… khá phổ biến các loại phương tiện này lưu thông.
Tăng cường tuyên truyền, vận động
Ðể chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, ngày 11.10.2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc tăng cường quản lý nhà nước gắn với kiểm tra, xử lý tình trạng xe tự chế lưu thông trên các tuyến giao thông qua địa bàn tỉnh. Theo đó, giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng rà soát các loại phương tiện để lập danh sách quản lý chặt chẽ; đồng thời, thông báo, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không đưa các loại phương tiện này hoạt động trên đường giao thông công cộng, nếu vi phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt và tịch thu phương tiện.
Đáng ngại, các loại xe tự chế đa phần được cải tiến từ nhiều loại động cơ khác nhau, có độ chế thêm nhiều bộ phận như cần số, bánh xe, thùng xe… Chưa kể, các xe này không có hệ thống đèn xi nhan; có xe không có đèn chiếu sáng, tài xế phải đội đèn pin trên đầu khi điều khiển. Lái xe cũng không được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe nên nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Cụ thể, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, làm ít nhất 3 người thiệt mạng. Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn là: lái xe không đúng phần đường, chuyển hướng sai quy định, không làm chủ tốc độ, thiết bị an toàn kỹ thuật không bảo đảm.
Bất cập
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CA tỉnh), đánh giá: xe tự chế đã bị cấm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tại một số nơi vẫn còn tình trạng người dân lén sử dụng loại xe này để chở nông sản. Để giải quyết việc này, trước mắt, các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về trật tự ATGT đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ phương tiện công nông, máy cày kéo rơ-moóc hay xe tự chế để họ biết mà thực hiện.
Song song đó, CA các huyện, thị xã, thành phố cần yêu cầu CA các xã chủ động rà soát, thống kê số lượng xe tự chế; đồng thời, mời các chủ xe để tuyên truyền giáo dục pháp luật giao thông, yêu cầu ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ; thông tin trên đài truyền thanh xã để vận động, tuyên truyền lái xe không được đưa xe công nông, xe tự chế ra QL, tỉnh lộ lưu thông, trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, trung tá Ngô Thanh Bình, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, CA huyện Phù Cát, cho hay: Trên địa bàn huyện Phù Cát còn chủ yếu là máy cày kéo rơ-moóc. Thời gian tới, bên cạnh việc rà soát, thống kê các loại phương tiện này để đưa vào danh sách theo dõi, quản lý, Đội tham mưu CA huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ; đồng thời, sẽ xử lý thật nghiêm và tịch thu phương tiện nếu phát hiện vi phạm”.
TRỌNG LỢI