Trung Quốc trồng thành công lúa nước mặn, có thể nuôi sống 80 triệu người
Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc vừa thu hoạch đợt gạo đầu tiên từ giống lúa chịu mặn được trồng ở tỉnh Sơn Đông. Đây là sự kiện đánh dấu sự thành công của kế hoạch đầy tham vọng nhằm gia tăng sản lượng gạo để cung cấp lương thực cho thêm 80 triệu người.
"Lúa biển" đã được trồng thành công ở Trung Quốc
Loại lúa mới này chịu được kiềm, đã được các nhà khoa học giới thiệu cách đây một năm. Lúa được thu hoạch ở thành phố bờ biển Thanh Đảo, cho ra loại gạo có khả năng sinh trưởng ở bãi triều hoặc đất mặn.
Để tạo ra giống lúa này, các nhà nghiên cứu đã phải lai tạo từ rất nhiều giống lúa gạo khác nhau. “Nếu có thiên tai, Trung Quốc khó có thể dựa vào nhập khẩu thực phẩm vì có nhiều rào cản về hậu cần và dân số lớn. Nếu người Trung Quốc bị đói vì mùa màng thất bát do thiên tai, tình trạng này sẽ gây ra bất ổn xã hội và gây mất ổn định cho thế giới”, hãng tin RT dẫn lời Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa chịu mặn Thanh Đảo, ông Trương Quốc Đông.
Ông Trương cho biết thêm, sẽ nỗ lực để biến hơn 65.000 km2 đất ngập mặn thành đất trồng lúa. Nếu cứ 667 m2 đất trồng được tối thiểu 300 kg gạo thì toàn bộ số đất ngập mặn sẽ đem về 30 triệu tấn gạo. Số gạo này đủ để nuôi 80 triệu người dân Trung Quốc.
Theo RT, để thử nghiệm trồng loại “lúa biển” này, các nhà nghiên cứu đã lấy nước từ biển Hoàng Hải, pha loãng rồi dẫn vào các ruộng gạo phục vụ nghiên cứu.
Các nhà khoa học cho biết, giống lúa này chưa thực sự sống được tại vùng nước biển thuần túy. Hiện tại, công nghệ lai tạo, gây giống lúa mới chỉ có thể cho phép trồng chúng tại các vùng nước ngọt pha nước mặn.
Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã trồng và thu hoạch thành công lúa chịu mặn trên một sa mạc ở Dubai.
Theo Chinhphu.vn