Đạo đức xã hội xuống cấp: 'Không thể mỗi ngành văn hóa loay hoay'
Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sáng nay được nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội ngày càng nghiêm trọng và đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện. Tuy nhiên, tư lệnh ngành này khẳng định, vấn đề đó không phải của riêng Bộ chủ quản, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về lý giải tình trạng đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, qua đó thể hiện trách nhiệm của Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận đây là một câu hỏi rất khó, để thực hiện được các giải pháp cần có thời gian lâu dài.
Ông cho biết, đến nay sự xuống cấp của đạo đức xã hội diễn biến phức tạp. Sự phức tạp này được nhận diện như giá trị đạo đức tuyền thống, lối sống văn hóa mai một, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ đảng viên gia tăng, đạo đức nghề nghiệp sa sút, gian lận trong học hành bằng cấp, thủ đoạn chạy chức chạy quyền, bạo lực gia đình…
Về nguyên nhân, ông Thiện cho rằng có nhiều nhưng thời gian có hạn nên chỉ đi sâu vào giải pháp. Trong đó, tư lệnh ngành văn hóa nói về giải pháp xây dựng con người mới.
Theo đó, năm 2014 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bộ VHTTDL đã triển khai tổ chức thực hiện, song song với đó là chấn chỉnh việc quản lý lễ hội, xây dựng các tiêu chí về gia đình văn hóa thực chất hiệu quả hơn. Bộ cũng đẩy mạnh đạo đức lối sống gia đình với đề án tuyên truyền, hoặc ra các nội dung về chương trình đạo đức lối sống gia đình.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn về việc đạo đức xã hội xuống cấp
Tuy nhiên, tư lệnh ngành văn hóa thừa nhận thực tế cho thấy việc khắc phục biểu hiện xuống cấp của đạo đức phải làm từng bước, nhưng phải làm quyết liệt mạnh mẽ hơn, đồng thời cả xã hội phải vào cuộc.
“Lĩnh vực này có lẽ xuất phát từ gốc là kinh tế. Nếu giải quyết vấn đề này mà bỏ kinh tế sang một bên thì không giải quyết được, vì gốc vấn đề vẫn là kinh tế, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Đây là vấn đề rất khó, rất cấp bách, chúng tôi trăn trở nhiều. Nhưng nếu một mình ngành văn hóa loay hoay thì rất khó, trong khi kinh phí hiện nay rất thấp”, ông Thiện cho hay.
Sau phần trả lời chất vấn của ông Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tỏ ra không đồng tình khi cho rằng, tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội.
“Một con người có đạo đức nhân cách phải được hình thành từ gia đình, bố mẹ là tấm gương cho các con, thầy cô giáo là tấm gương học trò. Tiên học lễ, hậu học văn nhưng chúng ta học quá nhiều văn mà không quan tâm đến lễ, học quá nhiều chữ trước khi dạy các em thành người - là điều quan trọng để làm cho xuống cấp đạo đức xã hội”, ông Tuấn cho hay.
Bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng - theo tư lệnh ngành VHTTDL
Tranh luận về điều này, ông Thiện cho rằng đại biểu Tuấn lắng nghe phần ông trả lời chưa được rõ.
“Từ trước đến nay cứ nói về vấn đề đạo đức xã hội là giao cho ngành văn hóa và ngành xã hội, thôi các anh cứ làm đi, đó là việc của các anh. Gốc của vấn đề ở chỗ nếu xử lý vấn đề theo quan điểm này thì việc khắc phục sự xuống cấp của đạo đức xã hội là rất khó. Và rõ ràng, sự xuống cấp đạo đức xã hội xuất phát từ lĩnh vực kinh tế. Chúng ta phải xử lý ở các lĩnh vực đấy chứ không chỉ là riêng lĩnh vực xã hội. Ý tôi là nếu cứ để ngành văn hóa loay hoay thì không giải quyết được vấn đề xuống cấp” – ông Thiện tranh luận
Nói rõ hơn về điều này, tư lệnh ngành văn hóa thể thao và du lịch dẫn chứng, đơn cử như trong việc phân bổ ngân sách, kể cả các địa phương, ngân sách dành cho ngành văn hóa rất ít. Ví dụ, trong 3 năm vừa rồi, ngân sách cấp cho bảo tồn di sản phi vật thể cấp cho Bộ VHTTDL trong 3 năm chỉ được 7,3 tỷ đồng là con số quá ít ỏi.
“Nếu không có giải pháp đồng bộ, nhiệm kỳ sau ai đó làm Bộ trưởng cũng sẽ tiếp tục bị chất vấn hoặc kỳ họp sau cũng có thể bị chất vấn tiếp mà thôi!”, ông Thiện cho hay.
Theo Nhật Lam (phunuvietnam.vn)