Đảm bảo an sinh và quyền của người khuyết tật
Nhằm đảm bảo tinh thần nhân văn trong chính sách trợ giúp người khuyết tật của Ðảng, Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Bình Ðịnh tập trung thực hiện đúng, kịp thời các chính sách trợ giúp, nỗ lực thực hiện Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật.
Theo số liệu mới nhất, toàn tỉnh có 31.311 người khuyết tật (NKT) được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; chiếm 2% dân số và 42,5% số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội; 704 trẻ mồ côi không nơi nương tựa khuyết tật đặc biệt nặng, NKT đặc biệt nặng, người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa, người lang thang không xác định được nơi cư trú được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội - trong đó có 520 NKT đặc biệt nặng dạng thần kinh, tâm thần.
Thực hiện chính sách trợ giúp
Đến nay, Bình Định có 159/159 xã thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật và thực hiện tốt công tác xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật cho NKT. Tuy nhiên, theo chính sách trợ giúp hiện nay, nhóm NKT nhẹ hầu như chưa có chính sách nào đáng kể nên phần đông trong số này không đăng ký để xác định mức độ khuyết tật.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang tặng quà cho người cao tuổi khuyết tật đang lưu trú tại khoa lão Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa nhân dịp Tết Nguyên đán 2018.
Hiện 100% NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và NKT nhẹ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ sinh sống tại các thôn, xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo đã được cấp thẻ BHYT. NKT trong tỉnh có nhu cầu được cung cấp phương tiện trợ giúp như: xe lăn, xe lắc, phẫu thuật chỉnh hình và trợ giúp phục hồi chức năng.
Ngoài chính sách của trung ương hỗ trợ cho người học nghề theo quy định tại từng chương trình, dự án, UBND tỉnh còn trích ngân sách chi trợ cấp xã hội cho NKT học nghề theo Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 29.2.2008. Ngân sách tỉnh trích 500 triệu đồng hỗ trợ Ban quản lý Quỹ việc làm cho NKT của tỉnh để hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho NKT, nhóm lao động là NKT.
Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT nhân các ngày lễ, tết như Ngày NKT Việt Nam (18.4), Ngày Quốc tế thiếu nhi (1.6), Ngày Quốc tế NKT (3.12)... được các cấp, ngành, hội đoàn thể, các đơn vị quan tâm. Năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức thăm tặng quà cho 110 NKT tại các địa phương và 3 cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh nhân Ngày NKT Việt Nam; phối hợp với Hội Bảo trợ NKT và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức tặng quà cho 36 NKT, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu.
Quan tâm đến quyền tiếp cận
Từ năm 2017 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) triển khai các hoạt động của dự án “Tiếp cận vì sự hòa nhập cho người khuyết tật” (do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID - tài trợ). Với các hoạt động truyền thông, Dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận xã hội, nhất là những người trẻ về hình ảnh NKT. Từ các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực, cộng đồng NKT trong tỉnh được tiếp cận với các chính sách pháp luật, kỹ năng làm việc hiệu quả, kỹ năng vận động chính sách, trở nên mạnh dạn, năng động hơn.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động khảo sát công trình công cộng, đề xuất cải tạo, bổ sung hạng mục tiếp cận hoặc hỗ trợ xây dựng hạng mục tiếp cận, Dự án đã góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng, từng bước đưa quyền tiếp cận của NKT vào đời sống. Giai đoạn 2015 - 2017, dự án đã xây dựng 12 hạng mục lối vào theo quy chuẩn quy định tại Thông tư 21/2014/TT-BXD ngày 29.12.2014. Ở giai đoạn 2017 - 2020, Dự án tiếp tục hỗ trợ các nhóm NKT khảo sát tại 50 công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Tham dự vào hoạt động này, NKT trong tỉnh phấn khởi và tham gia tích cực.
NGUYỄN MUỘI