Lập lại trật tự vỉa hè ở TP Quy Nhơn: Cần giải pháp căn cơ
Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng vỉa hè và quản lý sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP Quy Nhơn” do Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Bình Ðịnh tổ chức chiều 29.10, các đại biểu đã nêu nhiều giải pháp để việc quản lý, sử dụng vỉa hè hiệu quả.
Lợi ích từ lấn chiếm vỉa hè
TS Võ Ngọc Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Bình Định, cho biết: Qua khảo sát thực tế, hiện nay trên địa bàn TP Quy Nhơn có tổng cộng 617 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 190 km do Công ty CP quản lý sửa chữa đường bộ Quy Nhơn quản lý, trong đó có 438 tuyến đường có vỉa hè (chiếm 78,3%). Qua khảo sát 250 hộ kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè thì có 56,8% số hộ có đăng ký kinh doanh, số còn lại chưa có giấy phép kinh doanh; khảo sát trên 100 người bán hàng rong thì 55% số người bán cố định thường chỉ bán 1 buổi/ngày, còn lại bán 2 buổi/ ngày.
Vỉa hè ở các tuyến đường trong khu vực trung tâm thành phố được người dân chiếm dụng để trưng bày hàng hóa.
- Trong ảnh: Một hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Thái Học (phường Ngô Mây) chiếm dụng toàn bộ vỉa hè để trưng bày hàng hóa.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 56,8% số hộ kinh doanh sử dụng vỉa hè với mục đích để xe, các phương tiện phục vụ buôn bán như tủ, kệ, bàn, ghế; 15,2% sử dụng vỉa hè làm nơi trưng bày hàng hóa, 5,2% dùng vỉa hè đặt bảng quảng cáo cho cửa hàng... Trong khi đó, 61% số người bán hàng rong sử dụng vỉa hè chủ yếu để bán đồ ăn, đồ uống; 16% sử dụng vỉa hè để buôn bán nhỏ (bán xăng, vé số, giày dép, quần áo, tạp hóa, sửa đồng hồ)…
“Có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là lợi ích mang lại từ việc lấn chiếm vỉa hè rất lớn. Bởi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán thì không cần đăng ký kinh doanh, không chịu thuế, không tốn kinh phí thuê mặt bằng mà thu nhập mang lại rất khá”.
Qua khảo sát, số lượng quán ăn uống xuất hiện nhiều nhất trên các tuyến đường: Trần Hưng Đạo (phường Hải Cảng, phường Trần Hưng Đạo), Phan Chu Trinh (phường Hải Cảng), Phan Bá Vành (phường Nhơn Bình)… Cũng qua khảo sát, trên 24 km đường có đến 330 hàng rong, trung bình 72,7 m đường có 1 hàng rong trên vỉa hè và các tuyến đường tập trung đối tượng bán hàng rong nhiều nhất là: Hoàng Văn Thụ, Trần Hưng Đạo, Thành Thái, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Phan Bội Châu…
Ông Nguyễn Văn Thành, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị TP Quy Nhơn, cho biết: Thời gian qua, thành phố cũng như các phường liên tục ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường nhưng sau đó tình trạng lấn chiếm tái diễn. Có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là lợi ích mang lại từ việc lấn chiếm vỉa hè rất lớn. Bởi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán thì không cần đăng ký kinh doanh, không chịu thuế, không tốn kinh phí thuê mặt bằng mà thu nhập mang lại rất khá.
Cần sử dụng vỉa hè hợp lý
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Thành đề xuất nên giao quyền sử dụng vỉa hè cho chủ nhà có vỉa hè để quản lý và có trách nhiệm với chính quyền. Đồng thời, khi quy hoạch, xây dựng tuyến đường mới, cơ quan chức năng nên quan tâm đến vỉa hè, bởi trước đây nhiều tuyến đường khi xây dựng thì vỉa hè rộng dưới 3 m, thậm chí một số tuyến đường không có vỉa hè.
Ông Nguyễn Kim Huân, Phó Chủ tịch UBND phường Ngô Mây, cho rằng hiện nay trên địa bàn phường chỉ có một số tuyến đường có vỉa hè từ 3 m trở lên như: Ngô Mây, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Diên Hồng, số còn lại vỉa hè dưới 3 m và tất cả đều bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán. Phường đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng không thể dẹp được. Bởi khi tổ trật tự đô thị của phường có mặt thì người dân dọn dẹp vào bên trong, khi tổ công tác vừa đi qua thì họ lại dọn ra vỉa hè tiếp tục kinh doanh, buôn bán.
“Trước đây, thành phố có chủ trương kẻ vạch vỉa hè cho thuê đối với những tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên, nhưng sau đó tỉnh chỉ đạo dừng. Qua khảo sát thực tế thì các hộ kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè có nhu cầu thuê vỉa hè rất lớn. Do vậy nên cho thuê vỉa hè để việc quản lý cũng như xử lý lấn chiếm vỉa hè của các phường được thuận lợi hơn”, ông Huân kiến nghị.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú, cho hay hiện nay thành phố chọn đường Ngô Văn Sở trên địa bàn phường làm tuyến phổ ẩm thực nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu người dân. Do vậy, thành phố cần quy hoạch thêm một tuyến phố khác để bán hàng ăn uống, đồ lưu niệm, bởi thời gian qua lượng khách du lịch đổ về Quy Nhơn khá lớn. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán.
Theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó Bí thư Thành ủy Quy Nhơn, thành phố cũng đang tìm các giải pháp để giải quyết căn cơ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, buôn bán. Theo đó, thành phố sẽ tập trung tăng cường quản lý các tuyến đường ở khu vực nội thành, tổ chức xây dựng các điểm buôn bán hàng rong tập trung phù hợp, cho thuê vỉa hè đối với các vỉa hè đủ quy chuẩn cho thuê để lấy nguồn kinh phí duy trì thường xuyên việc quản lý vỉa hè.
PHẠM PHƯƠNG
Vỉa hè là của chung, hãy trả lại cho người đi bộ và các tiện ích công cộng khác.