Sản xuất tinh bột mì gây ô nhiễm môi trường
Gần đây, người dân ở thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) và thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh (Phù Cát) phát hiện cá chết rải rác dọc suối Ðục (khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương). Nước suối cũng bốc mùi hôi, na ná mùi tinh bột mì. Ðâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này?
Nước trong lòng suối Đục đoạn chảy qua thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh (Phù Cát) bốc mùi hôi và bị đục.
Nước suối bốc mùi, cá chết
Từ phản ánh của người dân, chiều 30.10, PV Báo Bình Định đã tìm hiểu sự việc. Dọc suối Đục dài hơn 200m, có hiện tượng cá chết rải rác ở nhiều nơi. Nước tồn đọng trong suối cũng bị vẩn đục và bốc mùi tinh bột mì. Người dân trong vùng lo lắng vì sợ trâu, bò uống phải nguồn nước bẩn này mắc bệnh.
Ông H., một người dân ở thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh, xác nhận: “Tình trạng nước ở dọc suối Đục bốc mùi hôi, xuất hiện cá chết lác đác đã vài ngày nay. Bằng mũi, tôi cũng dễ dàng cảm nhận được mùi hôi. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cần kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng khắc phục để bảo vệ môi trường”.
Theo khảo sát, con suối Đục có chiều dài chừng 1 km qua thôn Vạn Thiện (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) và thôn Vĩnh Long (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát). Chiều dài con suối phần lớn nằm sâu trong rừng keo, bạch đàn và có đoạn nằm gần khu vực xử lý nước thải của cơ sở chế biến tinh bột mì đóng tại thôn Vạn Thiện, do ông Nguyễn Văn Hiếu làm chủ.
Do đó, người dân ở địa phương đặt nghi vấn cá chết xuất hiện dọc con suối Đục có liên quan tới hoạt động sản xuất từ cơ sở chế biến tinh bột mì. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy lòng suối Đục - đoạn gần khu vực xử lý nước thải của cơ sở chế biến tinh bột mì của ông Hiếu - có hiện tượng nước thải tinh bột mì bị rò rỉ, ứ đọng dưới lòng suối, bốc mùi hôi.
Dọc con suối Đục xảy ra hiện tượng cá chết rải rác.
Do rò rỉ nước thải (!)
Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết cơ sở chế biến tinh bột mì của mình bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay với công suất khoảng 10 tấn mì tươi/ngày. Để bảo đảm môi trường trong quá trình hoạt động, ông đã xây dựng 6 bể lót bạt, 1 hầm biogas với tổng diện tích 3.500m2 để xử lý nước thải và 6 hồ lắng bằng đất khác.
“Cách đây vài ngày, đường ống nước thải đấu nối từ khu vực nhà máy về hố xử lý bị bò dậm vỡ. Nhưng tôi không kịp phát hiện nên nước thải phát sinh trong quá trình chế biến mì có tràn ra ngoài và rò rỉ xuống lòng suối Đục. Hiện nay, tôi đã khắc phục bằng cách mua, lắp đặt đường ống mới (!?)”, ông Hiếu thừa nhận.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), cho rằng: “Đầu tháng 10.2018, tôi có cử cán bộ phụ trách lên giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ sở chế biến tinh bột mì do ông Nguyễn Văn Hiếu làm chủ. Qua kiểm tra, cán bộ phụ trách nhận thấy cơ sở sản xuất này hoạt động cầm chừng, không xảy ra hiện tượng nước thải chảy ra bên ngoài (!). Tuy nhiên qua thông tin báo chí cung cấp, tôi sẽ chỉ đạo cán bộ phụ trách lên kiểm tra lại, nếu phát hiện có sai sót sẽ xử lý, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở khắc phục”.
Về vấn đề này, sáng 31.10, ông Hồ Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Mỹ, cho hay đã nắm bắt sự việc và đã cử cán bộ phối hợp với UBND xã Mỹ Hiệp thực hiện việc kiểm tra để có hướng xử lý theo quy định.
TRỌNG LỢI