TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Băn khoăn về mô hình quản lý ngành quản lý thị trường
Tham gia phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào chiều muộn 30.10, Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh bày tỏ sự quan tâm đến việc chuyển đổi hình thức quản lý của ngành quản lý thị trường.
ĐB Lý Tiết Hạnh tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn ngày 31.10.
Cụ thể, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh nêu vấn đề, trước đây, để thực hiện chức năng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có chi cục QLTT do địa phương trực tiếp quản lý và được chỉ đạo chuyên môn bởi Bộ Công Thương. Nay, theo mô hình tổ chức mới, các chi cục QLTT cấp tỉnh trở thành các cục QLTT trực thuộc tổng cục; đặc biệt ở một số khu vực, vài tỉnh mới có một cục QLTT.
Trao đổi với PV sau ngày chất vấn thứ 2 của kỳ họp, ÐB Lý Tiết Hạnh nhấn mạnh: “Thay đổi chính sách quản lý về vĩ mô là cần thiết, nhưng phải hướng đến giải quyết tốt các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trong quá trình hoạch định chính sách, cần có sự đánh giá thực tiễn thật sâu sát. Với lĩnh vực QLTT, cần giải bài toán phối hợp đồng bộ giữa ngành chủ quản với chính quyền địa phương”.
“Vậy, chính quyền địa phương có còn trách nhiệm trong QLTT trên địa bàn nữa hay không? Nếu có thì lực lượng chuyên trách nào sẽ giúp cho chính quyền thực hiện nhiệm vụ này? Đặc thù của công tác QLTT luôn gắn với địa bàn, mô hình tổ chức mới có ảnh hưởng gì đến hiệu quả công tác phối hợp xử lý hay không?”, bà Hạnh chất vấn.
Đăng đàn vào sáng 31.10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định việc thành lập Tổng cục QLTT về bản chất chỉ là sự thay đổi mô hình quản lý. Công tác QLTT không tách rời với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn; biên chế công chức của QLTT trên địa bàn vẫn giữ nguyên.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng QLTT. Đặc biệt, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hết sức tinh vi với quy mô lớn, đòi hỏi sự cập nhật chuyên môn, nghiệp vụ của QLTT, sự phối hợp liên vùng. Vì thế, sự “cắt khúc” từ trước đến nay còn một số tồn tại, Chính phủ muốn tổ chức quản lý điều hành theo ngành dọc. Bộ trưởng cho biết, sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành với cấp ủy và chính quyền địa phương, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, phối hợp chặt chẽ. Đồng thời, sẽ đổi mới công tác QLTT theo phương thức số hóa, gắn với nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ QLTT trên toàn hệ thống.
Giơ biển tranh luận, ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng khá thỏa đáng. Tuy nhiên, công tác phối hợp sẽ khó đảm bảo với đặc thù của QLTT là xử lý chính xác, kịp thời, có vụ việc xảy ra 2-3 giờ sáng, không theo một khuôn mẫu nhất định nào. “Bên cạnh đó, với cơ sở vật chất như hiện nay thì việc xác định số hóa như là giải pháp khắc phục hạn chế về QLTT đã thực sự chín muồi chưa?”, ĐB Hạnh đặt vấn đề.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác QLTT là phù hợp xu hướng hiện nay, đặc biệt là với chủ trương tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước cũng như cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử.
NGUYỄN VĂN TRANG