Thay đổi hướng dẫn thi hành Luật BHYT: Nhiều quy định có lợi cho người dân
Tăng nhóm đối tượng tham gia, rút gọn thủ tục hành chính, thay đổi phương thức thanh toán… là những điểm mới nổi bật trong hướng dẫn thi hành Luật BHYT. Trong đó có nhiều quy định mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Ngày 17.10, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1.12 thay thế Nghị định 105/NĐ-CP đang thực hiện chỉ có 4 chương và 14 điều. Nghị định 146 có 10 chương và 43 điều kèm theo một số phụ lục biểu mẫu. Trong đó có chương XI hoàn toàn mới: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh (KCB) BHYT.
Quy định mới về phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo Nghị định 146 sẽ giảm gánh nặng vượt trần, vượt quỹ cho các cơ sở KCB do các nguyên nhân khách quan như áp dụng kỹ thuật mới, giá dịch vụ y tế mới…
- Trong ảnh: Thực hiện nội soi khớp gối tại khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, BVĐK tỉnh.
Người bệnh không cần sao chụp thẻ BHYT
Nghị định 146 quy định thêm nhóm tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng, gồm: thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội; thân nhân của công nhân CA đang phục vụ trong CAND; thân nhân của người làm công tác khác trong ngành cơ yếu. Bên cạnh đó, cũng quy định thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, gồm: chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Về mức đóng BHYT, vẫn áp dụng mức 4,5% mức lương cơ sở. Tuy nhiên có điểm mới là người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Nhà nước hỗ trợ mức đóng 100% cho hộ cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ; hỗ trợ tối thiểu 70% chi phí đóng BHYT cho các hộ cận nghèo vùng khác. Về mức hưởng chi phí KCB BHYT, ngoài các đối tượng được hưởng 100% chi phí KCB như cũ, thêm đối tượng người đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (trước đây chỉ hưởng 95%).
Đáng chú ý, Nghị định 146 yêu cầu cơ sở KCB, cơ quan BHXH không được quy định thêm thủ tục KCB BHYT ngoài các thủ tục đã ấn định theo Nghị định. Đặc biệt, trường hợp cơ sở KCB, cơ quan BHXH cần sao chụp thẻ BHYT, các giấy tờ liên quan đến KCB của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.
Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình cho biết, thời gian qua đơn vị này đã không còn yêu cầu người bệnh phải phô-tô các loại giấy tờ. Với các trường hợp ở xa, cần lưu lại hồ sơ để theo dõi, quản lý thì bộ phận văn thư phục vụ phô-tô miễn phí. “Quy định mới theo Nghị định 146 cho thấy nỗ lực của ngành chức năng để giảm phiền hà cho người bệnh, cơ sở điều trị cần tuân thủ nghiêm”, ông Bình nói.
Giảm gánh nặng cho các cơ sở KCB
Một điểm đáng chú ý là Nghị định 146 có quy định hoàn toàn mới trong cách thanh toán chi phí KCB của cơ quan BHXH cho các cơ sở KCB, với 2 phương thức thanh toán: theo khoán định suất và theo giá dịch vụ. Với thanh toán theo giá dịch vụ, kể từ năm 2019, cơ quan BHXH không giao quỹ KCB hoặc trần thanh toán tuyến 2 cho các cơ sở KCB mà chỉ giao dự toán chi KCB hàng năm. Nếu vượt dự toán do các nguyên nhân khách quan phát sinh trong năm như áp dụng kỹ thuật mới, giá dịch vụ y tế mới, điều chỉnh hạng bệnh viện, đối tượng đến khám thay đổi, thay đổi mô hình hoạt động bệnh viện… thì được giải trình để tính vào tổng mức thanh toán cho cơ sở KCB.
Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Thúc Chí, những quy định mới về phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT sẽ giảm bớt gánh nặng vượt trần, vượt quỹ cho các cơ sở KCB, khi hàng năm phải làm văn bản giải trình, bị chậm thanh quyết toán và phải ứng kinh phí do thủ tục giải trình thẩm định rườm rà, phức tạp dẫn đến thiếu hụt kinh phí hoạt động. “Giờ đây, khi cơ sở KCB chi vượt tổng dự toán hàng năm chỉ giải trình nguyên nhân vượt tổng dự toán là đủ. Giao tổng dự toán chi KCB BHYT cho các cơ sở cũng là giải pháp để đảm bảo cân đối quỹ KCB BHYT trong điều kiện bội chi quỹ liên tục như hiện nay”, ông Chí nhận định.
Ông Chí cũng đánh giá cao quy định cho cơ quan BHXH chậm nhất đến ngày 1.1.2020 phải phát hành thẻ BHYT điện tử cho tất cả người tham gia BHYT. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý trong quản lý, giám sát, thanh toán chi phí KCB BHYT hoàn toàn trên cổng thông tin điện tử.
Sau hơn 2 năm dự thảo và lấy ý kiến rất nhiều lần, Nghị định 146 mới chính thức được Chính phủ ban hành. Nghị định đã đưa ra những quy định mà thực tế trong quá trình thực hiện Luật BHYT còn thiếu sót nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT, các cơ sở KCB BHYT và cả cơ quan quản lý BHYT. Đồng thời mở rộng quyền lợi cho một số đối tượng thụ hưởng chính sách BHYT. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết, Sở sẽ phối hợp với BHXH tỉnh triển khai Nghị định 146 ngay trong tháng 11.2018 để công tác KCB BHYT được thực hiện đúng quy định, mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân tham gia BHYT.
NGUYỄN VĂN TRANG