Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực: Cần có tổ tư vấn giúp DN thực hiện
(BĐ) - Đó là một trong những đề xuất tại Hội nghị sơ kết thực hiện giữa giai đoạn 2016-2020 của Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2020”, được Sở KH&CN tổ chức ngày 30.10.
Đánh giá tại hội nghị cho thấy, việc triển khai dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về năng suất, chất lượng, một số giải pháp, công cụ, kinh nghiệm tiên tiến về năng suất, chất lượng được đưa vào áp dụng tại các DN trong tỉnh, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Giai đoạn 2016-2018, dự án đã tập trung thực hiện tuyên truyền, đào tạo chuyên gia dự án, đào tạo cho các cơ quan, DN; biên soạn tài liệu và tổ chức đào tạo 13 chuyên đề; xây dựng 5 phòng thử nghiệm với 67 tiêu chí có đủ năng lực và được công nhận đạt chuẩn ISO 17025.
Đối với hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng, bên cạnh duy trì 53 DN tham gia giai đoạn 2011-2015, từ 2016-2018, dự án đã mở rộng hỗ trợ cho 29 DN; các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt yêu cầu chất lượng, nâng cao chỉ tiêu cạnh tranh của DN thông qua các chỉ số tăng trưởng DN, mở rộng thị trường, tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương và chỉ số cạnh tranh chung của tỉnh…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế của dự án khi chưa tạo được sự chuyển biến thực sự về hoạt động năng suất chất lượng trong toàn xã hội nói chung và DN nói riêng. Năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ vẫn còn thấp. Đặc biệt, sự tham gia của các DN- chủ thể của các dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng” thiếu tích cực, chủ yếu tập trung giai đoạn xây dựng và áp dụng; đến giai đoạn duy trì, cải tiến thường không tốt hoặc không quan tâm. Để khắc phục tình trạng này, một trong những ưu tiên từ nay đến năm 2020 là cần có tổ tư vấn đánh giá giúp các DN trong việc thực hiện nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
HOÀNG ANH