Luật Bảo hiểm y tế còn 'vênh' với các quy định pháp luật khác
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi năm 2014, đến nay đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tế. Trong quá trình nghiên cứu thực tế, các chuyên gia xác định cách tiếp cận sửa đổi Luật BHYT cần dựa trên bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế, song phải sát với thực tế Việt Nam.
Những hạn chế, bất cập cần sửa
Với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 25.10.2017 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 là tăng tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế còn 35%. Chính phủ cũng cam kết đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình.
Chăm sóc khám sức khỏe BHYT tuyến cơ sở tại Hà Tĩnh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng nhận định, quá trình thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,4% dân số, tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm, BHYT đã đóng góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc như: Phạm vi được hưởng BHYT, mức hưởng; tổ chức khám chữa bệnh (KCB) BHYT (hợp đồng, đăng ký KCB, chuyển tuyến, thủ tục KCB, giám định); phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT; tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT…
Vì vậy, việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết để khắc phục những khó khăn, vướng mắc để BHYT là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả.
TS. Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, về cơ bản chính sách pháp luật BHYT đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng cần sửa đổi một số nội dung để tránh ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khoẻ của người dân trong thời gian tới.
Phải bảo đảm cân đối Quỹ BHYT
Qua nghiên cứu, tham khảo Luật BHYT ở một số nước, TS. Nguyễn Văn Tiên gợi ý một số chính sách sửa đổi Luật BHYT theo hướng: sửa đổi toàn diện Luật BHYT; tiếp tục khẳng định thực hiện BHYT toàn dân; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT; có lộ trình và địa chỉ chịu trách nhiệm.
Trong đó, ông Tiên cho rằng, cần chia theo 5 nhóm vấn đề chính sách: mở rộng diện tham gia BHYT; hoàn thiện quyền lợi người tham gia BHYT; tổ chức cung ứng dịch vụ KCB BHYT; làm tốt quản lý BHYT; quy định cụ thể về phương thức thanh toán.
Để xây dựng Luật BHYT sát với thực tiễn Việt Nam, ông Nguyễn Tất Thao - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội - BHXH Việt Nam) kiến nghị, cần phát triển đối tượng và công tác thu BHYT tập trung vào đối tượng tham gia BHYT bền vững, thay đổi phương thức thu BHYT. Bên cạnh đó, cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng nhằm đảm bảo công bằng giữa công và tư; xem xét lại chính sách thông tuyến và miễn cùng chi trả chi phí KCB khi tham gia BHYT 5 năm liên tục, có chi phí cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; bổ sung đầy đủ công cụ và phương pháp giám định; thực hiện kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở y tế.
Còn ông Văn Tất Phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam đề xuất, sớm sửa đổi Luật BHYT cho phù hợp tình hình hiện tại, để khắc phục các khó khăn, vướng mắc. Đơn cử trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT, chưa thống nhất giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện KCB BHYT liên quan đến thanh toán chi phí KCB BHYT, nên giữa cơ sở KCB và cơ quan bảo hiểm xã hội thường xuyên có vướng mắc, khó giải quyết. Về công tác giám định của cơ quan BHXH, thầy thuốc cần phải có chứng chỉ hành nghề, nhưng giám định viên BHYT lại chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, nên giữa cơ sở KCB và bộ phận giám định BHYT thường xuyên có bất đồng trong việc chỉ định điều trị, đặc biệt là các chỉ định về cận lâm sàng.
Các chuyên gia đề xuất và kiến nghị định hướng chính sách sửa đổi Luật BHYT bên cạnh việc hướng tới BHYT toàn dân phải gắn liền với sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT; đa dạng hóa gói quyền lợi các chế độ BHYT theo các nhóm bệnh tật với mức đóng, hướng khác nhau; hiện đại hóa dịch vụ BHYT và cải cách thủ tục hành chính khi tham gia BHYT; đổi mới cơ chế kiểm soát, phát huy vai trò y tế cơ sở, y học gia đình; quy định cụ thể hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT để có cơ quản xử lý các tình huống vi phạm… Bảo đảm việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT mang tính độc lập, khách quan và kịp thời cung cấp thông tin về quỹ BHYT để điều chỉnh chính sách; đặc biệt cân đối mức đóng hưởng BHYT…
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị, sửa đổi Luật BHYT phải bảo đảm cân đối Quỹ BHYT đáp ứng yêu cầu KCB; phát huy vai trò y tế cơ sở; cân bằng mức đóng - hưởng, hướng tới việc thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và BHYT toàn dân bền vững.
Theo XM (Báo Tin tức)