Đẩy mạnh việc tuyên truyền về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Sáng 2.11, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
ĐB Nguyễn Phi Long phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) đã được 12 nước ký kết ngày 4.2.2016 nhưng do Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định nên các nước dừng việc phê chuẩn và 11 nước còn lại tiếp tục đàm phán Hiệp định. Trong khuôn khổ Hội nghị APEC tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào tháng 11.2017, 11 nước thể hiện quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định với tên gọi mới là Hiệp định CPTPP và ngày 8.3.2018, Hiệp định CPTPP được 11 nước ký kết tại Thủ đô Santiago, Chi lê.
Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm.
Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, 11 nước tham gia CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỉ USD. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.
Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%.
Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.
Bên cạnh đó, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác.
Theo ĐB Nguyễn Phi Long (Đoàn Bình Định), nước ta có câu “buôn có bạn, bán có phường”. Việc tham gia Hiệp định sẽ mang lại cho nước ta nhiều lợi thế, nhất là trong điều kiện xu thế bảo hộ phát triển. Các cơ quan nhà nước có điều kiện tiếp cận nhanh hơn trong việc hoạch định, điều hành chính sách vĩ mô, dần hoàn thiện hệ thống, thể chế pháp luật phù hợp với “sân chơi chung” của quốc tế; tạo nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, có điều kiện tiếp cận với các nền kinh tế thế giới.
Đây cũng là cơ sở để nước ta tiếp tục tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với các nước khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU để các nước hỗ trợ, công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, ông Long cũng phân tích kỹ những rủi ro và thách thức khi Việt Nam là nước thành viên của Hiệp định, vì theo ông nước ta có nền kinh tế nhỏ nhất trong 11 nước tham gia Hiệp định.
Do vậy, ông đề xuất Chính phủ cần rà soát kỹ để sửa đổi các văn bản pháp luật theo thẩm quyền; trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số luật cho phù hợp; xây dựng chương trình hành động tổng thể của Chính phủ trên cơ sở phát huy lợi thế của nền kinh tế nước ta để phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, thông tin rộng rãi cho các cơ quan công quyền, cộng đồng DN nắm chắc và kỹ các nội dung của Hiệp định để khắc phục tình trạng hụt hẫng, rủi ro, hạn chế, phòng ngừa các thách thức và khó khăn khi tổ chức triển khai, nhất là đối với các DN hoạt động xuất, nhập khẩu.
SỸ NGUYÊN