Phòng bệnh hen phế quản khi chuyển mùa
Bệnh hen phế quản, còn được gọi bệnh suyễn là bệnh khó thở từng cơn do co thắt phế quản kèm tăng tiết dịch. Theo thống kê, ở nước ta cứ 1.000 người có 50 - 60 người mắc bệnh hen phế quản, đây là tỉ lệ cao trong số các bệnh không do nhiễm khuẩn. Khi thời tiết thay đổi, cơn hen rất dễ khởi phát.
Bác sĩ CKII Bành Quang Khải - Trưởng khoa Nội tổng hợp (BVĐK TP Quy Nhơn): “Triệu chứng của bệnh hen phế quản là ho, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần, hay gặp về đêm khuya, nửa đêm về sáng. Hơi thở nghẽn, tạo thành tiếng rít, không cần ống nghe của bác sĩ, người bệnh và thậm chí người bên cạnh cũng nghe thấy tiếng rít này. Cơn khó thở tùy nặng nhẹ có thể kéo dài 5-10 phút có khi đến hàng giờ. Sau đó tự lui dần với cơn ho, khạc đờm trong đặc quánh. Một số trường hợp hiếm gặp, cơn hen ác tính khó thở trầm trọng, có khi ngừng thở, tím tái, hạ huyết áp dẫn đến tử vong”.
Việc chữa bệnh hen phế quản nhằm vào điều trị cắt cơn hen, dự phòng cơn hen và điều trị dự phòng để các cơn hen càng thưa ra càng tốt. Người bệnh bị hen phế quản đã quá quen với các thuốc cắt cơn hen, các loại thuốc xịt, thuốc dạng hít đã được bác sĩ chỉ định cho nhiều lần nên vấn đề cắt cơn hen không khó khăn đến mức phải vào viện như trước đây, nhưng cần chú ý là luôn luôn mang theo thuốc bên người trong mọi hoàn cảnh để không bị động. Nếu để lên cơn hen rồi mới lo chạy đi mua thuốc thì rất nguy hiểm. Định kỳ 6 tháng đến 1 năm vẫn phải đi khám chuyên khoa hô hấp với thầy thuốc quen điều trị cho mình để được đánh giá, điều chỉnh lại loại thuốc và liều dùng nhằm chủ động kiểm soát được cơn khó thở.
Nhưng tốt nhất là nên điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt và phòng tránh những yếu tố bất lợi. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng một điều nhiều người biết và đã thực hiện có kết quả rất tốt là thay đổi khí hậu vùng miền. Nhiều trường hợp người mắc bệnh ở phía Bắc chuyển vào định cư trong Nam hoặc ngược lại đã giảm đi rất nhiều cơn hen, một số người còn hết hẳn cơn hen.
Để phòng bệnh, ta nên tránh xa các nguồn gây dị ứng như phấn hoa có mật độ cao trong mùa hoa nở rộ, các loại bụi khói, khói thuốc lá, lông chó mèo và các loại sợi bông, sợi nhân tạo của chăn, đệm, thảm trải nhà. Cũng nên tránh những stress để khỏi bị những cảm xúc bất lợi dẫn đến cơn khó thở.
“Người mắc bệnh hen khí quản nên kiên trì tập thở. Động tác tập thở cũng đơn giản nhưng cũng phải kiên trì: tập thở bụng, dùng co giãn của cơ hoành để hít vào được sâu nhất, nhiều oxy nhất và khi thở ra tống được hết khí cặn ra ngoài. Mỗi ngày dành ra 2 - 3 lần, mỗi lần 20-30 phút tập thở ở nơi thoáng khí, yên tĩnh, là phòng được bệnh và cải thiện được sức khỏe”, bác sĩ CKII Bành Quang Khải khuyên.
THÙY VY (Trung tâm TT-GDSK tỉnh)