Nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào công tác điều trị ở BVĐK tỉnh: Nhiều thành tựu xuất sắc
Nghiên cứu khoa học là 1 trong 7 chức năng của bệnh viện được Bộ Y tế quy định. Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ then chốt là điều trị, BVÐK tỉnh luôn đề cao việc nghiên cứu khoa học để thúc đẩy, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Việc có thêm nhiều trang thiết bị hiện đại giúp BVĐK tỉnh xử lý được nhiều ca bệnh khó hơn so với trước.
- Trong ảnh: Phẫu thuật bằng dao siêu âm tại BVĐK tỉnh.
BVĐK tỉnh Bình Định là bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, tuyến khám chữa bệnh cao nhất của tỉnh với hơn 1.500 cán bộ viên chức và người lao động thuộc 43 khoa, phòng. Trong đó có 4 tiến sĩ, 27 thạc sĩ, 64 bác sĩ CKII, 72 bác sĩ CKI, 92 bác sĩ đa khoa, 3 dược sĩ CKI, 9 dược sĩ đại học và 1.248 cán bộ, nhân viên trình độ khác.
Từ năm 2012 đến 2017, BVĐK tỉnh có 320 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 251 đề tài cấp cơ sở, 43 đề tài cấp ngành, 25 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài cấp Nhà nước và đã có 20 đề tài được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo.
Một trong những thành công đáng kể́ là việc Khoa Nội Tim mạch nghiên cứu, thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp 2 buồng tái đồng bộ nhịp nhĩ thất trong điều trị suy nút xoang và block nhĩ thất. Suy nút xoang và block nhĩ thất có thể gây ra nhiều triệu chứng và suy tim do mất đồng bộ nhịp nhĩ và thất, biến chứng sau cùng là ngừng tim, đột tử. Hiện nay không có thuốc ở dạng uống để khắc phục những biến chứng này, chỉ có một cách duy nhất là dùng máy tạo nhịp để gửi tín hiệu điện đến kích thích tim. Theo bác sĩ CKII Phan Nam Hùng - Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch, với tiến bộ của khoa học, việc đặt máy tạo nhịp 2 buồng tim đã khắc phục được nhược điểm của việc đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng tim (VVI hoặc VVIR). Máy tạo nhịp 2 buồng tim giúp tái đồng bộ về tần số co bóp cơ tim giữa tâm nhĩ và tâm thất, nhờ vậy sẽ giảm đi tình trạng suy tim cho bệnh nhân. Đặt máy tạo nhịp 2 buồng kinh điển đòi hỏi bác sĩ cấy được 2 dây điện cực ở nhĩ và thất phải. Trong kỹ thuật này việc cấy dây nhĩ là một thủ thuật khó, nhiều bác sĩ tim mạch ở các trung tâm đặt máy tạo nhịp tuyến tỉnh còn thiếu kinh nghiệm, chưa khắc phục được.
Bác sĩ CKII Phan Nam Hùng khiêm tốn: Chúng tôi may mắn đã được đào tạo và tập huấn kỹ về lĩnh vực đặt máy tạo nhịp 2 buồng tim ở trong và ngoài nước nên đã mạnh dạn thực hiện kỹ thuật mới này nhằm vận dụng những tiến bộ y học để điều trị bệnh lý rối loạn nhịp tim chậm nói trên.
Điều quan trọng hơn là các nghiên cứu này còn cung cấp các số liệu, luận cứ khoa học, giúp cập nhật các phương pháp chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, theo dõi người bệnh, ứng dụng lý thuyết y học vào thực tiễn lâm sàng một cách sáng tạo và phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, hạn chế sai sót và rút ngắn thời gian điều trị. Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: “Việc nghiên cứu khoa học ở BVĐK tỉnh được thực hiện đều khắp ở các khoa. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công vào thực tế điều trị như: Kỹ thuật can thiệp mạch, điều trị ung thư gan bằng nút tắt động mạch, nút coil phình động mạch não cấp cứu, phẫu thuật dẫn lưu nang dưới nhện; phẫu thuật khớp gối, thay khớp háng, phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành trong bệnh lý động mạch vành, nội soi lồng ngực điều trị kén khí -
tràn khí màng phổi, gây tê ngoài màng cứng liên tục trong phẫu thuật và giảm đau sau mổ qua catheter ngoài màng cứng, lọc máu cấp cứu cho các trường hợp suy đa tạng, xét nghiệm miễn dịch tầm soát ung thư buồng trứng HE4, nội soi đặt stent đường mật, nong ống tiêu hóa bằng bóng...”.
Năm 2018, BVĐK tỉnh tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật chuyên sâu như: kỹ thuật can thiệp mạch vành phức tạp; can thiệp nong van; phẫu thuật nội soi khớp vai, phẫu thuật nội soi ung thư phụ khoa từ Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh; lọc máu liên tục ở bệnh nhân nhi từ Bệnh viện Nhi Đồng II; kỹ thuật tiêm khớp, chăm sóc bàn chân đái tháo đường từ Bệnh viện Chợ Rẫy; vi phẫu chi từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh; can thiệp bệnh lý mạch máu chi dưới phức tạp từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)…
Bác sĩ CKII Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, nhìn nhận: “Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ về cải tạo cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện trung ương và các chuyên gia quốc tế nên BVĐK tỉnh đã ứng dụng và thực hiện được nhiều kỹ thuật cao của tuyến trung ương. Những kết quả này góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, giảm chuyển người bệnh lên tuyến trên, giảm chi phí xã hội về khám, chữa bệnh”.
ĐỨC MẠNH - THU PHƯƠNG