“Lá giảm nghèo”
Nhiều năm nay, lá dang mọc hoang trên núi đã giúp hàng chục hộ dân ở 2 xã Phước An và Phước Thành, huyện Tuy Phước có thu nhập ổn định và nuôi con ăn học. Ở đây, bà con gọi lá dang bằng cái tên vui là “lá giảm nghèo”.
Bà Phan Thị Đẹp (xóm Thiện Trường, thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An), có gần 30 năm gắn bó với nghề hái lá dang, kể: Trước đây, vợ chồng tôi làm nghề mua bán than và đi củi. Nghề này mỗi lúc một nguy hiểm, Nhà nước lại cấm nên vợ chồng tôi chuyển sang hái lá dang rừng bỏ chợ. “Đồ nghề” chỉ cần có câu liêm để cắt, bao đựng và nước uống là đủ.
Sau khi hái lá dang về, người dân chia ra từng bó nhỏ để bán.
Lá dang có 2 loại lá lớn và lá nhỏ. Trước kia, người tiêu dùng chỉ cần lá dang chung chung nên người đi rừng hái thường chọn loại lá lớn vì nó mọc nhiều, dễ tìm. Mấy năm gần đây, người tiêu dùng lại thích loại lá nhỏ vì nó có vị chua thanh hơn. Loại lá dang này ít, khó tìm nên người đi hái lá phải rời khỏi nhà từ lúc 2 - 3 giờ sáng, vào các vùng rừng núi xa, thậm chí nhiều lúc phải lội sang các xã thuộc các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh thuộc tỉnh Phú Yên để hái.
Cần cù như vậy mỗi ngày, mỗi người đi hái lá cũng có thể hái được khoảng 25 - 30 kg lá dang tươi. Hái xong họ thường phân ra thành từng bó nhỏ, rồi đem bỏ mối cho các thương lái ở chợ Diêu Trì, hoặc cho người mua sỉ trong thôn. Đều đặn như vậy, mỗi ngày một người cũng thu nhập chừng 450 - 500 ngàn đồng.
Vào nghề hái lá dang được khoảng 7 năm, vợ chồng anh Phan Thanh Tuấn (xóm Thiện Trường) vừa đi hái lá vừa làm đại lý mua gom lá dang. Anh Tuấn cho biết: Lá dang thường mọc xanh tốt ở triền núi, gò đồi, mình dùng câu liêm rọc theo đường thân nó bò rồi cắt. Khi cắt ai cũng chừa lại gốc để lần sau còn có mà quay lại. Những chỗ lá dang tốt, cứ sau khi cắt một đợt khoảng 20 ngày sau có thể quay lại hái tiếp.
Lá dang là món khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là với những ngư dân đánh bắt xa bờ. Gần đây đã xuất hiện thêm nghề phơi - sấy khô lá dang bán cho các chủ tàu hoặc bán cho những người Việt xa quê ở hải ngoại.
XUÂN VINH