Một vé xuôi về tuổi thơ…
Gần đây, trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), những con cá, cào cào... bằng lá dừa từ đôi bàn tay thoăn thoắt của một phụ nữ trung niên làm nên không chỉ hấp dẫn trẻ em mà còn gợi nhớ những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ cho cả người lớn. Với nghề làm đồ chơi từ lá dừa, chị Lê Thị Cúc (42 tuổi, ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát) rong ruổi mang hồn quê đến mọi nẻo.
Gắn bó với nghề bán đồ chơi trẻ em từ tuổi đôi mươi, sau nhiều năm miệt mài, chị Cúc chợt nhận ra, dường như đồ chơi nhựa - điện tử dần ít được trẻ con chào đón như lúc đầu nữa. Hơn 10 năm trước, chị và chồng bàn nhau đổi nghề. Bấy giờ vẫn còn nhiều người tạo hình các con vật từ lá dừa, vợ chồng chị tìm người học nghề, mỗi chỗ mỗi ít rồi chuyển sang nghề mới: thắt lá dừa làm đồ chơi.
Chị Lê Thị Cúc cùng gánh hàng của chị trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn).
Chị Cúc bày tỏ: “Vợ chồng tôi bắt đầu từ nghề bán đồ chơi trẻ em, đến bây giờ vẫn gắn bó với nghề đó, chỉ khác một chỗ là giờ mình tự làm ra, đồ chơi cũng dân dã hơn. Nhìn vậy chứ mấy đồ chơi này được cả người lớn và trẻ con đón nhận, họ thích lắm”.
Mới đầu, vợ chồng chị Cúc mang những con vật ngộ nghĩnh bằng lá dừa và thắt “trình diễn” ở các trường học ở huyện Phù Cát. Ngay lập tức “sô diễn” của hai vợ chồng được trẻ em và cả một số phụ huynh đón nhận nồng nhiệt. Sau khi tập luyện thuần thục và bổ sung thêm nhiều mẫu hàng, họ vào Quy Nhơn rồi ra Đà Nẵng làm nghề. Đáng mừng là ở đâu đồ chơi thắt bằng lá dừa cũng được mọi người thích thú.
Thế rồi từ lời giới thiệu của một người tốt bụng ở Đà Nẵng, rằng Hội An là phố cổ, ở đó có rất nhiều khách du lịch - đặc biệt khách nước ngoài - vốn yêu thích những thứ gần gũi với tự nhiên..., vợ chồng chị Cúc bèn ra Hội An làm nghề. Và quả thật, thu nhập của họ ở đó cũng khá và ổn định hơn. Hơn 2 năm nay, anh Dương - chồng chị Cúc - ổn định với nghề của mình tại Hội An. Riêng chị Cúc cứ tầm 1 tuần đến 10 ngày lại về quê thăm con và bán hàng tại các trường học ở Phù Cát, thỉnh thoảng vào Quy Nhơn, nhất là dịp lễ.
Tự hào với những sản phẩm của mình, chị Cúc gọi đó là nghề thắt lá nghệ thuật. Chị tiết lộ: Nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn hơn, tôi dò tìm và cuối cùng chọn lá thốt nốt từ miền Tây, đặt mối mua gom gởi ra. Giống với lá dừa, nhưng lá thốt nốt còn có thể để lâu hơn, lại nhẹ, du khách nước ngoài có thể mang về nước làm kỷ niệm. Sản phẩm đẹp hay xấu phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng lá. Bản lá nhỏ thì sản phẩm sẽ bé, khó hấp dẫn; ngoài ra, những con vật như cào cào thì lá có màu xanh sẽ bắt mắt hơn, nhưng với các bông hoa thì bản lá hơi nhuốm vàng tí, nhìn sẽ sinh động hơn nhiều. Mình làm có kinh nghiệm nhiều rồi thì cũng biết cách chọn lá, lá nên già vừa đủ để đảm bảo độ dẻo, mềm mà lại không quá cứng, giòn, dễ gãy”.
Một mình, một xe cùng xấp lá dừa, lá thốt nốt rong ruổi khắp nơi nhưng người phụ nữ hài lòng với nghề của mình. Chị tâm sự: “Ngó vậy chứ vui lắm, mình không thể làm sẵn ở nhà rồi mang đi bán vì người mua không thích, họ muốn thấy tận mắt cách mình thắt. Chính tôi cũng thấy như vậy thì mình cũng sẽ hào hứng hơn. Khi bán, nhiều người tới chụp hình rồi hỏi thăm, trò chuyện cũng vui lắm”.
Tuổi thơ của những ai đã từng gắn bó với ruộng đồng hẳn không thể quên những con cào cào, châu chấu, những chiếc chong chóng làm từ lá dừa, lá dứa. Dẫu cuộc sống hiện đại, đồ chơi công nghiệp dường như chiếm lĩnh, nhưng đâu đó, đồ chơi dân gian như tò he, những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu từ lá dừa vẫn làm say đắm những ai may mắn bắt gặp. Và cứ thế, những người như chị Cúc lặng lẽ mang niềm vui đơn sơ đến cho mọi người, bất chợt đưa họ xuôi về tuổi thơ dù chỉ trong khoảnh khắc.
THẢO KHUY