Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Họp phiên toàn thể tại Hội trường vào sáng 5.11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giải trình, làm rõ những vấn đề, ý kiến mà đại biểu Quốc hội quan tâm về Hiệp định CPTPP.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với nội dung Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan; cho rằng việc quyết định phê chuẩn Hiệp định là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định sự chủ động của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, nâng cao khả năng ứng phó với những tác động kinh tế thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam và đồng thời cũng nhằm thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đang đàm phán.
Các vị đại biểu Quốc hội đề nghị cần chủ động, có đề án rà soát sửa đổi các luật có liên quan, bảo đảm cho thực thi Hiệp định CPTPP có hiệu quả. Phát huy hết các cơ hội kinh doanh, tránh các rủi ro. Tận dụng tối đa việc liên kết toàn diện về cả kinh tế, môi tường, giáo dục-đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa, chính sách xã hội, bảo đảm quyền của công nhân, người lao động và đặc biệt cần chăm lo, tổ chức công đoàn Việt Nam hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Bảo đảm môi trường kinh doanh, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết, tại thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thêm về xây dựng chương trình hành động thực Hiệp định, nhất là các nội dung liên quan đến việc ứng phó, xử lý các thách thức, việc xử lý những vấn đề phát sinh. Cùng với đó, cần coi trọng công tác tuyên truyền tới toàn xã hội về Hiệp định, đặc biệt là đến các doanh nghiệp về những cam kết mới khi Hiệp định có hiệu lực.
“Một lần nữa, thay mặt Ban soạn thảo, Ban chủ trì thẩm tra dự thảo Nghị quyết, chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội để chuẩn bị Nghị quyết, trình Quốc hội có thể thông qua được vào ngày 12.11 tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu./.
Theo Nguyễn Hoàng (Chinhphu.vn)