Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng bền vững
Đó là chủ đề của Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể Châu Á- Thái Bình Dương 2018, sẽ diễn ra tại TP.Huế từ ngày 6 đến ngày 8.11.
Sáng ngày 5.11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) phối hợp với Trung tâm Thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ (ICHCAP) tổ chức họp báo về Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 2- năm 2018.
Tham dự hội nghị lần này có đại diện của 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đến từ 16 quốc gia trong khu vực. Trong đó, có những thành viên là đại diện của diễn đàn NGO ICH (Diễn đàn của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể). Các tổ chức tham gia đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia và cộng đồng xã hội tham gia bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể với các mục tiêu khác nhau, như phát triển cộng đồng địa phương, xóa đói giảm nghèo, phục hồi đô thị và xây dựng năng lực cộng đồng, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của họ góp phần vào việc phát triển bền vững…
Với chủ đề “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng bền vững”, hội nghị sẽ chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ góp phần đạt được các mục tiêu: Phát triển nền vững và tìm hiểu hướng đi trong tương lai để xây dựng hệ thống bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Tại hội nghị, các đại biểu sẽ có các tham luận chia sẻ các hoạt động của mình và các kinh nghiệm về dự án liên quan đến vai trò và tiềm năng của các các tổ chức phi chính phủ (NGOs) để bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể; Giáo dục Di sản văn hóa phi vật thể để phát triển bền vững; Phát triển toàn diện các thành phố và cộng đồng thông qua việc tuyên truyền về Di sản văn hóa phi vật thể… và các phiên thảo luận nhóm song song về giáo dục và cộng đồng.
Toàn cảnh buổi họp báo sáng 5.11 về Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể Châu Á- Thái Bình Dương. Ảnh: S.T
Ông Kwon Huh, Tổng Giám đốc của ICHCAP nói rằng: Ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, không chỉ có Hàn Quốc hay Nhật Bản là có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể mà nhiều nước khác cũng có các chính sách này, trong đó Việt Nam đã rất tích cực trong vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Để thực hiện điều đó, cần có sự chung tay của nhiều phía: từ chính quyền, các đơn vị chuyên môn, đến các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng…
“Hiện nay, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam cũng như các nước khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể chưa được mạnh như ở các nước khu vực Châu Âu. Và tôi hy vọng rằng, sau hội nghị lần này tại Huế, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ sẽ được tăng cường nhiều hơn”- Giám đốc ICHCAP phát biểu.
Theo ông Seong-Yong Park, Trợ lý của Tổng Giám đốc ICHCAP, thời gian qua tổ chức này đã có nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức ở Việt Nam, trong đó nhiều lần hợp tác với Bộ VHTTDL về bảo vệ và phát triển Di sản văn hóa. Năm 2018 này, ICHCAP cũng đang phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) xây dựng chương trình video giới thiệu về các Di sản văn hóa phi vật thể. "Việt Nam là một đối tác quan trọng của ICHCAP, những năm qua quốc gia này đã có nhiều cam kết mạnh mẽ cũng như các hoạt động về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể"- ông Seong-Yong Park nhấn mạnh.
Hội nghị cũng sẽ dành một phiên thảo luận về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Trong ảnh: Nhã nhạc cung đình Huế (Ảnh: S.T)
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế chia sẻ: Hội nghị lần này, không chỉ là việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên ICHCAP, mà cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa tại Huế và Việt Nam tiếp nhận thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn được UNESCO vinh danh; đây là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam. Trải qua 15 năm, cũng là khoảng thời gian thực hiện Công ước UNESCO 2003, Nhã nhạc đã từng bước được bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị, và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.Trong đó, yếu tố cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Không riêng Nhã nhạc triều Nguyễn, các Di sản văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam cũng được bảo vệ và phát huy tốt dựa vào yếu tố cộng đồng, như: hát Xoan (Phú Thọ), dân ca Ví dặm ở vùng Nghệ Tĩnh…
Cũng tại Hội nghị này, sẽ có phiên thảo luật đặc biệt về những bài học và kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam; trong đó đề cập đến sức sống của Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn sau 15 năm được UNESCO công nhận. Qua đó, sẽ có những đánh giá chính xác, khách quan, nhằm đưa chính sách và hướng phát triển bền vững cho các Di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian tới.
Theo SƠN THÙY (baovanhoa.vn)