Nhân Kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười Nga (7.11):
Không bao giờ quên sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô
NGƯT-TS. Nguyễn Minh Châu
Ngày 7.11.2018 là ngày Kỷ niệm 101 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga. Mỗi năm, cứ đến ngày Lễ trọng đại này, những Cựu lưu học sinh Việt Nam học tập ở Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay có dịp họp mặt nhau, cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp của năm tháng thời tuổi trẻ gắn bó với đất nước có nền văn hóa lâu đời, những người thầy, cô giáo, nhân dân Nga nhân hậu, trung thực và bao dung. Tất cả chúng tôi cùng hát những bài hát quen thuộc “Chiều Mátcơva“,“Đôi bờ”, “Cachiusa”, “Nước Nga, tổ quốc tôi”, “Cuộc sống ơi! Tôi mến yêu người”,…
Ảnh kỷ niệm tình bạn gắn bó trong suốt 5 năm giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Liên Xô học tại trường Đại học.
- Trong ảnh: Tác giả (Người đứng thứ nhất từ trái sang) và các bạn sinh viên Liên xô cùng học Khoa Hóa.
Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thành lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (từ ngày 30.1.1950), đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác giữa hai nước sau này.
Trước năm 1990, Liên Xô là một trong những nước đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực chính cho Việt Nam.
Hơn 60 năm qua (từ năm 1953 đến nay) họ đã đào tạo cho Việt Nam trên 30.000 sinh viên đại học (sau này những sinh viên tốt nghiệp đại học ở Liên Xô đều được UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận là Thạc sĩ), trên 3000 tiến sĩ, trên 200 tiến sĩ khoa học và khoảng 100.000 công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, thực tập sinh.
Nhiều du học sinh tại Liên Xô của chúng ta, khi trở về nước đã có những đóng góp lớn cho đất nước, thành công trong sự nghiệp, trong đó có lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Hiện nay Liên bang Nga là một trong số ít nước có nhiều người Việt Nam sinh sống và học tập nhất.
Tôi là một trong số các Cựu lưu học sinh Việt Nam, may mắn được Nhà nước chọn đi học đại học năm 1961-1966 và nghiên cứu sinh năm 1975-1978 tại Liên Xô. Trường tôi học lúc đó tên là Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kharcov, mang tên Mac-Xim-Gorki, nay là Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kharcov mang tên Karazin (nhà sáng lập trường-Vasili Nazorovich Karazin) là một trong những trường Đại học cổ nhất Đông Âu, thành lập vào năm 1804. Trường có 3 nhà khoa học làm việc tại đây đoạt giải Nobel. Đó là Nhà Sinh vật học Ilya Ilych Mechnikov (1908), Nhà Kinh tế học Simon Kiznets (1971), Nhà Vật lý học Lev Dovidovich Landau (1962).
Khóa học ngành Hóa của tôi (1961-1966) gồm có 34 sinh viên Việt Nam và hơn 70 sinh viên Nga. Chúng tôi là những lưu học sinh Việt Nam đầu tiên đến học trường Đại học Tổng hợp này, vì vậy được Nhà trường quan tâm, giúp đỡ rất nhiều. Họ bố trí sinh viên Nga ở chung với sinh viên Việt Nam ở ký túc xá để tiện việc giúp đỡ chúng tôi trong giao tiếp tiếng Nga và sinh hoạt. Họ dành riêng một khu vực Nhà ăn để phục vụ nhiều món ăn Việt Nam cho chúng tôi, vì họ sợ sinh viên Việt Nam không quen với các món ăn Nga, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học tập.
Sau giờ lao động hè của sinh viên tại một Nông trang thu hoạch vụ mùa táo và dưa leo.
- Trong ảnh: Tác giả (người ngồi giữa) và các nữ nông trang viên Nga.
Ngôn ngữ dạy: Tiếng Nga. Tiếng Nga có 6 cách và 3 giống từ. Mỗi cách từng từ lại biến âm, nên rất khó đối với sinh viên ngoại quốc.
Năm đầu tiên, chúng tôi vừa học văn hóa, vừa học Tiếng Nga. Mỗi lớp học Tiếng Nga có khoảng 10 sinh viên Việt Nam. Cô giáo dạy Tiếng Nga của lớp tôi tên là Marixa Alexâyevna, chồng bà là Giáo sư Vật lý, thương binh trong cuộc chiến tranh ái quốc chống Phát xít Đức (Đại chiến Thế giới lần thứ II). Chúng tôi có dịp đến thăm gia đình nhiều Thầy, Cô giáo ở đây, gia đình nào cũng có sự mất mát trong chiến tranh. Vì vậy, nhân dân Liên Xô rất thông cảm với hoàn cảnh chiến tranh và gian khổ của nhân dân Việt Nam. Họ coi chúng tôi như những người con trong gia đình và thường gọi thân mật chúng tôi là “ban-sôi man-trít” - “cậu bé trai lớn”.
NGƯT-TS Nguyễn Minh Châu, 8 năm học tập ở Liên Xô (là sinh viên khóa 1961-1966 và nghiên cứu sinh: 1975-1978 ) tại Trường Đại học Tổng Hợp Quốc gia Kharcov (Liên Xô cũ), nguyên là giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (1966-1978), nguyên là Hiệu Trưởng Trường Đại Học Sư phạm Quy Nhơn, nay là Trường Đại học Quy Nhơn,(1990-1998), nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Quang Trung (2006-2014).
Năm thứ nhất, Nhà trường phân công một sinh viên Nga kèm cặp, giúp đỡ một sinh viên Việt Nam học tập. Từ năm thứ hai trở đi, tiếng Nga của chúng tôi đã khá, có thể hiểu bài giảng của Thầy trên lớp và chúng tôi đã tự lực học tập hoàn toàn. Một kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi là vào kỳ thi cuối học kỳ một năm thứ 3, do thời tiết mùa đông quá lạnh (-300 C), tôi bị ốm phải nằm bệnh viện. Sau khi được tôi trình bày là nếu tôi không dự thi thì sẽ ở lại lớp, nên xin phép Bác sĩ tạo điều kiện học tập sau giờ khám bệnh. Bác sĩ chính Ilia Alekceievna đã thông cảm, vui vẻ nhường phòng làm việc của Bà cho tôi có điều kiện học ôn và đến giờ thi Bà còn cho xe ô tô chở tôi đến trường thi cùng với các bạn trong lớp.
Mùa hè, chúng tôi được Nhà trường bố trí cho đi nghỉ mát một tháng ở trại hè, nhà nghỉ sinh viên gần biển hoặc đi lao động ở nông trường. Dù ở nơi nào, chúng tôi cũng luôn được sự chăm sóc chu đáo và được ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, vui chơi thật thoải mái. Sau mùa hè ai cũng tăng vài cân.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lưu học sinh Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn, chí tình mà nhân dân Liên Xô và Liên bang Nga đã dành cho lưu học sinh của chúng tôi.
Vừa qua (từ ngày 5-8.9.2018),Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong, trong chuyến thăm chính thức tới Liên Bang Nga, đã khẳng định: “Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga có bề dày lịch sử, được thử thách qua thời gian, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Đây là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, cần được giữ gìn và phát huy. Liên bang Nga là đối tác truyền thống rất quan trọng của Việt Nam. Trong suốt chiều dài gần 70 năm lịch sử quan hệ, nhân dân hai nước chúng ta đã cùng kề vai sát cánh, tương trợ, giúp đỡ nhau”.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp; đặc biệt diễn ra trước thềm các sự kiện lớn kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga trong năm 2019 và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga vào năm 2020; tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga tiếp tục phát triển, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hợp tác song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước và lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển của Châu Á - Thái Bình Dương.
Với lòng biết ơn sâu đậm nhân dân Liên Xô, chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ hữu nghị Việt-Nga ngày nay sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị Liên Xô-Việt Nam trước đây.
N.M.C