Tập huấn ATVSLÐ cho lao động ở làng nghề: Chuyển biến nhận thức, hành vi
Cuối tháng 10 vừa qua, Sở LÐ-TB&XH phối hợp Trung tâm Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (Cục An toàn lao động, Bộ LÐ-TB&XH) tổ chức tập huấn cho lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Bình Ðịnh là địa phương đầu tiên ở nước ta chủ động tổ chức hoạt động tập huấn này ngay tại làng nghề.
130 lao động làng nghề TX An Nhơn (nghề rèn ở phường Đập Đá và tiện gỗ mỹ nghệ ở xã Nhơn Hậu) đã tham gia tập huấn. Đây là một trong những động thái tích cực giúp người lao động làng nghề hình thành nhận thức và kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Với sự xuất hiện của các máy móc hiện đại thay thế, lao động làng nghề rèn cần được tập huấn, huấn luyện thường xuyên về ATVSLĐ.
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 51 làng nghề, trong đó có 40 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Chiếm tỉ lệ cao ở các làng nghề là những lao động ở độ tuổi từ 15 - 24 tuổi và từ 45 tuổi trở lên. Hoạt động ở quy mô gia đình nên hầu hết người lao động làm việc trong các làng nghề không có hợp đồng lao động, không tham gia BHXH bắt buộc. Không có hợp đồng lao động nên những yêu cầu về ATVSLĐ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe khó được đặt ra. Thêm nữa, việc đầu tư cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu về ATVSLĐ rất khó vì ít vốn.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Lao động và BHXH (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: “Lao động làng nghề hiện đang đối diện với nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ, sử dụng máy móc thiết bị mà hiểu biết về quy trình an toàn rất sơ sài, không được trang bị các thiết bị an toàn theo đúng quy định của nhà thiết kế; không gian sản xuất chật hẹp; phân công lao động, bố trí thời gian lao động và nghỉ ngơi không hợp lý... Sự chủ quan cùng nhận thức chưa đầy đủ về an toàn lao động của công nhân và chủ cơ sở sản xuất khiến nguy cơ tai nạn rất cao”.
Nghề tiện gỗ mỹ nghệ và nghề rèn thuộc danh mục những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn lao động. Người lao động tại làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu đang phải đối diện với các nguy cơ mất an toàn trong sử dụng thiết bị điện, máy móc làm nghề như cưa, xẻ, bào, phay, tiện... Hoặc, phải đối diện nguy cơ bệnh nghề nghiệp khi trực tiếp tiếp xúc với bụi bẩn, tiếng ồn trong quá trình cưa, xẻ gỗ, các hóa chất từ việc sơn, đánh bóng sản phẩm. Tương tự, với lao động làng nghề rèn là nguy cơ về bỏng, đứt tay, suy giảm thị lực do tiếp xúc với mạt sắt...
Tuy vậy, không ít người lao động viện lý do “vướng lắm”, “nóng lắm”, “quen rồi” hoặc “tiền đâu mua các dụng cụ bảo hộ chuyên dụng”... khi được hỏi về việc chưa trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ an toàn.
Mở rộng đối tượng
Sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh có Quyết định số 394/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có chính sách hỗ trợ thông tin, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Hoạt động tập huấn cho lao động làng nghề TX An Nhơn vừa qua là một ví dụ.
Ông Nguyễn Cảnh Hiệp, Trưởng phòng Huấn luyện, Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ (Cục An toàn lao động) nhận xét: “Bình Định cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hoạt động tập huấn cho đối tượng lao động này bằng nguồn ngân sách tỉnh. Điều này thể hiện sự chủ động rất cao của tỉnh”.
Lần đầu tiên triển khai một hoạt động tập huấn ATVSLĐ trên địa bàn, ông Cao Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Đập Đá, cho biết: “Thú thật là chúng tôi rất lo người lao động tiếc một ngày công mà không đến. Một ngày trước khi diễn ra tập huấn, tôi cùng cán bộ địa phương đã đến từng nhà vận động, nhắc nhở. Rất mừng bà con tham gia tương đối đầy đủ. Buổi tập huấn có ý nghĩa đối với việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho chủ cơ sở, người lao động và người nhà. Nói như vậy vì đến nay, 40% hộ làm nghề rèn trên địa bàn đã chuyển đổi từ thủ công sang máy móc”.
Trở về sau buổi tập huấn, ông Nguyễn Đức Dương (59 tuổi, ở làng rèn khu vực Tây Phương Danh, phường Đập Đá) chú ý dặn dò các con và thợ đang làm việc tại cơ sở của mình. Anh Nguyễn Minh Thiện, con trai ông Dương, kể: “Đầu tiên là ba tôi bảo chúng tôi làm gọn lại hệ thống dây điện. Trước đây, tôi bọc dây điện trong ống ruột gà; sau một thời gian, ống bị dập, vỡ, tôi lười biếng thay. Nay, ba tôi yêu cầu phải làm thật gọn, ngăn nắp, thường xuyên kiểm tra để an toàn cho tất cả mọi người, trong đó có trẻ nhỏ... Cơ sở hiện có 5 thợ, hàng hóa rất nhiều. Muốn sắp xếp, cần phải cho thợ nghỉ. Nhưng thợ bữa nay rất hiếm, nếu cho nghỉ, họ sẽ tìm chỗ khác làm, mình khó kêu về làm lại. Vì thế, chúng tôi đành cố gắng trong khả năng thôi. Đến đầu năm mới, khi lao động nghỉ, sẽ tập trung sắp xếp lại”.
Cũng nhận thấy tác động tích cực của buổi tập huấn, anh Nguyễn Minh Trọng (48 tuổi), thợ hàn tại làng rèn Tây Phương Danh, tâm sự: “Tôi mong cỡ 2 năm có một chương trình tập huấn, huấn luyện như vừa rồi. Buổi tập huấn nhắc nhở tôi về tất cả những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến chính mình và mọi người xung quanh; rút kinh nghiệm trong vận hành máy móc, thiết bị điện, mang đồ bảo hộ...”.
Còn nhiều thách thức
Thực tế, không phải người lao động nào cũng đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tham gia các lớp huấn luyện về ATVSLÐ. Thêm nữa, kinh phí tổ chức huấn luyện mà tỉnh bố trí hiện rất thấp, chỉ hỗ trợ tiền ăn cho mỗi học viên khoảng 50.000 đồng/ngày (theo quy định thì còn có hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ngủ).
Ðể nâng cao nhận thức, giúp người lao động dần chuyển biến và hiểu đó là vì lợi ích của mình, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Trước hết là cấp ủy, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLÐ đến người lao động và người sử dụng lao động.
Ông HUỲNH NGỌC HẢI, Trưởng phòng Lao động và BHXH (Sở LĐ-TB&XH)
NGUYỄN MUỘI