Nhà sách truyền thống ở Quy Nhơn: Thay đổi để “hút” độc giả
Ðể giữ khách hàng, trong cuộc cạnh tranh với mô hình kinh doanh sách trực tuyến - có thể nói là đối thủ lớn nhất hiện nay - nhà sách truyền thống buộc phải thay đổi để sát hơn với thị hiếu người đọc địa phương.
Nhà sách Fahasa Quy Nhơn ưu tiên khu vực trưng bày giới thiệu các đầu sách hấp dẫn ngay lối vào.
Trong cuộc cạnh tranh này, gần như toàn bộ các nhà sách nhỏ đã chuyển thành nơi kinh doanh văn phòng phẩm, thiết bị giáo dục; nhà sách lớn cũng thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với thị hiếu người đọc địa phương. Hầu hết các nhà sách đều tăng điểm bán hàng, thu gọn diện tích, tăng số lượng đầu sách trưng bày, thu ngắn khoảng cách từ ngày xuất bản đến ngày sách lên kệ; đặc biệt nhà sách nào cũng tập trung đầu tư vào việc trang trí, bày biện kệ sách để không chỉ tăng tính tương tác mà còn khiến khách hàng được thư giãn khi đến mua sách.
Nhà sách Fahasa Quy Nhơn (thuộc Công ty CP phát hành sách TP Hồ Chí Minh) là đơn vị tích cực bám sát nhu cầu của người đọc. Từ năm 2014, đơn vị này đã cơ cấu lại cửa hàng, giảm diện tích cửa hàng tại đường Nguyễn Tất Thành đồng thời mở thêm 1 cửa hàng tại Khu trung tâm thương mại Kim Cúc để phục vụ khách hàng ở khu vực phía Nam của TP Quy Nhơn. Diện tích thu nhỏ lại, nhưng về cơ bản số đầu sách trưng bày không giảm.
Chia sẻ về sự thay đổi này, bà Mai Thị Thu Hằng, quản lý nhà sách Fahasa Quy Nhơn cho hay: “Với 15 năm hoạt động tại thị trường Quy Nhơn, chúng tôi đã có một lượng khách quen thuộc. Khách hàng của chúng tôi đến hiệu sách không đơn thuần chỉ tìm mua sách, họ muốn ngắm nhìn, trải nghiệm và tương tác với nhân viên để cùng trao đổi về chủ đề, về sách mới, đặt hàng sách hay, và chúng tôi chú trọng vào điều này. Bên cạnh đó, Fahasa còn chú trọng kết nối các thư viện, các quán cà phê sách nhằm mở rộng mạng lưới người đọc”.
Trong cuộc cạnh tranh với nhà sách trực tuyến, những yếu tố nói trên là lợi thế tuyệt đối của nhà sách truyền thống, nên được tận dụng triệt để. Theo chị Võ Thị Nương, nhân viên phụ trách tại nhà sách Văn hóa Quy Nhơn (07 Lê Duẩn, Trung tâm thương mại Quy Nhơn), để giữ khách, nhà sách luôn ưu tiên bố trí những đầu sách hấp dẫn, sách mới ở vị trí dễ nhìn thấy nhất; cách trang trí phù hợp với từng thời điểm, tạo điểm nhấn bằng những họa tiết, phụ kiện trang trí, đôi lúc tạo sự dễ chịu cho khách bằng những bản nhạc không lời êm dịu để họ ở lại lâu hơn với cuốn sách trên tay…
Theo nhiều khách hàng, sự thay đổi của các hiệu sách tác động nhiều đến thói quen tới nhà sách của họ. Chị Phạm Thúy Hiền (đường Bạch Đằng, TP Quy Nhơn), một khách hàng thường xuyên của nhà sách Văn hóa Quy Nhơn, chia sẻ: “Tôi thích dẫn con gái tới nhà sách vào dịp cuối tuần, hai mẹ con vừa đi dạo các gian hàng, vừa chọn mua những đầu sách ưng ý. Con gái đã lớp 6, bé quan tâm nhiều đến những sách về khám phá, sách dành riêng cho các bé độ tuổi mới lớn… Dưới sự tư vấn nhiệt tình từ phía nhân viên, lúc nào hai mẹ con cũng lựa chọn được những cuốn sách phù hợp”.
Cạnh tranh giữa nhà sách truyền thống với nhà sách trực tuyến khốc liệt như thế, nên một mặt các nhà sách cải thiện chế độ phục vụ bạn đọc, mặt khác chủ động kết nối trực tuyến để mở rộng phổ khách hàng. Trong xu thế này, những đơn vị có thâm niên trong ngành rất thuần thục, họ duy trì song song hai mô hình kinh doanh, vươn tới từng nhóm khách hàng phù hợp. Theo bà Mai Thị Thu Hằng, quản lý nhà sách Fahasa Quy Nhơn, trên website, fanpage công ty luôn cập nhật thông tin mới về sách, giới thiệu những ấn phẩm nổi bật, nhà xuất bản uy tín… Đồng thời, hướng dẫn để khách hàng có thể trải nghiệm trên tay những trang sách thật.
THU DỊU