Bán thức ăn đường phố phải đeo găng tay
Từ ngày 20.10.2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực. Trong đó, có quy định nếu người kinh doanh thức ăn đường phố không che đậy thức ăn để ngăn chặn bụi bẩn; thức ăn có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; người bán không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…, sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
Người bán hàng chủ yếu vẫn để tay trần khi chế biến món ăn.
Thời điểm này, khảo sát một số quán ăn vỉa hè và khu vực các chợ ở TP Quy Nhơn, chúng tôi nhận thấy đa phần người kinh doanh hàng ăn uống có sử dụng găng tay bằng nilon, tuy nhiên không thường xuyên. Chị Nguyễn Thị H., chủ một quán bún thịt nướng tại chợ Đầm (TP Quy Nhơn), cho hay: “Quy định không đeo găng tay sẽ bị phạt thì mình chấp hành, nhưng đeo găng tay khi chế biến thức ăn vướng lắm, và khi thối tiền cũng bất tiện”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tâm, ở phường Thị Nại (TP Quy Nhơn), có thâm niên hơn chục năm bán phở, chia sẻ, bà có thói quen đeo găng tay khi chế biến vì bản thân bà thấy cần thiết để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và khách hàng. “Theo tôi, ý thức của người bán hàng, người kinh doanh thực phẩm mới quan trọng. Quy định phạt mạnh có thể khó phù hợp với điều kiện thực tế, bởi một số người bán hàng rong như xoài, cóc, ổi, hải sản khô… dùng một cái găng tay cho cả ngày bán hàng thì làm sao đảm bảo vệ sinh được?”.
Ông Lê Văn An, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), cho biết: “Thực tế kiểm tra cho thấy, đa phần người kinh doanh dịch vụ ăn uống đã nâng cao ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tỉ lệ vi phạm giảm dần. Trước đây, qua kiểm tra phát hiện vi phạm khoảng 20% thì nay chỉ còn 12-13%. Với chức năng của mình, chúng tôi đã và đang chú trọng các biện pháp kiểm tra chuyên đề, liên ngành kết hợp tuyên truyền để mỗi người không chỉ dừng ở tuân thủ mà còn tạo được thói quen tốt trong chế biến thực phẩm an toàn”.
Có thể nói, do tính tiện lợi, thực đơn phong phú và hợp túi tiền, thức ăn đường phố thu hút khá nhiều thực khách. Dù vậy, hầu hết khách hàng chỉ thấy món ăn đã được chế biến sẵn, còn nguyên liệu có nguồn gốc như thế nào, sử dụng phụ gia ra sao... họ không biết được. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ thức ăn đường phố chế biến thiếu vệ sinh, an toàn, cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị định 115/2018/NĐ-CP, đồng thời nâng cao ý thức của người chế biến, kinh doanh thực phẩm, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Q.THÀNH