Theo những vỉa tầng cảm xúc
Ngồi gỡ tơ trời (NXB Hội Nhà văn, 2018) là tập thơ đầu tay vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Trương Công Tưởng. Thơ Trương Công Tưởng vừa mang nỗi buồn cổ điển vừa như chất đầy những ẩn ức như muốn bung vỡ, khao khát khai phóng mình. “Không còn ai thì tôi cởi hết/ Cởi sạch trơn chẳng sót lại chút gì/ Mớ nỗi buồn còn vương thân cát bụi/ Nằm co ro như đứa trẻ bơ vơ” (Không còn ai). Ở anh dường như luôn đầy những suy tư, chất chứa rồi lằng lặng ngậm ngùi: “Tự dưng khóc/ giữa một vùng u tối/ khuôn mặt mình bỗng chốc hóa rong rêu/ Tự dưng đời/ là những đêm quán trọ/ khách qua đường trú lại một đêm sương” (Tự dưng).
Thế mạnh của Tưởng là cách anh thả cảm xúc ra tự nhiên, giản dị, ví dụ khi anh viết về cha - “cha cõng tôi lên nương/ ngày săn khoai mắt người mong mỏi/ bông lúa trĩu hạt khiêm nhường/ tôi biết ai rồi cũng phải học cách làm bông lúa chín/ cái cúi đầu thâm sâu…” (Giấc mơ của cha tôi) - nghe hiền lành và ấm áp. Khi anh viết về chị, đọc câu thơ ta thấy lòng mình chùng lại- “Nửa đêm chị tôi ra giếng/ Khua chiếc gàu múc một nỗi đau/ Đàn bà nằm nghiêng trăn trở/ Thương cho giường chiếu bạc nhàu” (Giấc mơ của thời thiếu nữ)…
Trương Công Tưởng (SN 1990, ở Hoài Ân), là hội viên Chi hội Văn học, Hội VHNT Bình Ðịnh. Anh là một trong số ít những tác giả trẻ của Bình Ðịnh tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX năm 2016.
Suốt 42 bài trong tập thơ của mình, Trương Công Tưởng như đưa người đọc đi trên những vỉa tầng cảm xúc của mình. Và càng lúc, người đọc cảm thấy có những vỉa tầng rất quen, ví dụ: “Duyên à! Còn gì nữa đâu/ Tháng sáu của chúng mình có gì rất tím/ Lãng quên như khói trời/…Tim khô rồi chết lịm/ Ngõ khuya/ tiếng rao/ tiếng gió/ tiếng còi tàu”.
Giản đơn là bởi độ nén cảm xúc trong thơ Tưởng, cách anh xử lý nhịp điệu và dụng ngôn khá hài hòa, và cả cách viết dung dị như đang trò chuyện cùng một người bạn. Có lẽ nhờ vậy, thơ anh dễ đồng cảm, neo trú trong lòng người đọc.
VÂN PHI