Việt Nam-Trung Quốc hướng tới thương mại cân bằng, bền vững
Việt Nam là luôn coi trọng phát triển quan hệ ổn định, mong muốn cùng Trung Quốc và các nước thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại phát triển bền vững.
Tối 5.11, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp các hoạt động trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất. Chuyến đi thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam là luôn coi trọng phát triển quan hệ ổn định, mong muốn cùng Trung Quốc và các nước thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình.
Với chương trình làm việc khẩn trương, Thủ tướng đã dự lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 và Diễn đàn kinh tế thương mại quốc tế Hồng Kiều; tham quan gian hàng các quốc gia, khu gian hàng thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng đã có cuộc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, gặp Thị trưởng Thành phố Thượng Hải Ứng Dũng; tọa đàm, đối thoại, tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc; dự lễ khai trương Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam Hàng Châu, văn phòng xúc tiến thương mại thứ 2 của Việt Nam tại Trung Quốc.
Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất là một trong 4 sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Trung Quốc năm 2018 với sự tham gia của 18 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, hơn 3000 doanh nghiệp của 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ, Việt Nam đánh giá cao Trung Quốc tổ chức Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất nhằm thể hiện tư duy hợp tác cùng thắng, cùng có lợi, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của khu vực và toàn cầu.
“Tục ngữ Việt Nam có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” với ngụ ý nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, là ngọn nguồn của sức mạnh. Trung Quốc cũng có thành ngữ “một cây không làm nên cánh rừng”( Độc mộc bất thành lâm) với ý nghĩa tương tự. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một quốc gia khó có thể tự mình phát triển nếu không mở cửa hội nhập, liên kết, để cùng nhau tạo nên những ngọn núi cao, những cánh rừng lớn của phát triển”, Thủ tướng nói.
Là láng giềng hữu nghị, thân thiết, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng đoàn kết, phát triển quan hệ hợp tác, ổn định, mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy kinh tế, thương mại phát triển bền vững cùng có lợi. Chúng tôi ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, với WTO là nền tảng; ủng hộ tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Để tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, khu vực, bên cạnh các hoạt động quảng bá, Thủ tướng cho rằng, các bên cần tăng cường đối thoại, trao đổi chính sách giữa các Chính phủ và doanh nghiệp; tăng cường sự công khai, minh bạch và kịp thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng “kết nối và sáng tạo” và mở ra cơ hội hợp tác mới trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Cùng với đó là tích cực hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là về hải quan, kiểm dịch theo hướng thông thoáng, hiệu quả nhằm tối ưu hóa quy trình và hiệu quả thông quan; phối hợp thúc đẩy các dự án kết nối hạ tầng giao thông, thuận lợi hóa thương mại, logistics.
Sau lễ khai mạc, Thủ tướng đã tham quan Khu gian hàng thương mại Việt Nam với sự tham gia của 25 doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu tốt và thương hiệu uy tín, chất lượng trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến và dịch vụ công nghệ thông tin. Trong khuôn khổ Hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các đối tác của Trung Quốc và các nước tham dự để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong thời gian tới.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, đánh giá: “Doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ lần này là các doanh nghiệp có thế mạnh về nông, lâm, thủy, hải sản mà cả Ban tổ chức hội chợ và các doanh nghiệp Trung Quốc đều đánh giá rất cao. Đã có nhiều thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên, trong đó có việc Việt Nam sẽ xuất khẩu một số mặt hàng sang Trung Quốc thời gian tới. Bối cảnh hiện nay kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Việt Nam với các nước, và xu hướng xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng lên, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản. Do đó, việc tham dự hội chợ lần này đem lại hiệu quả rất thiết thực cho các doanh nghiệp và các địa phương”.
Nhân dịp tham dự hội chợ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định, lành mạnh và bền vững với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhất trí cùng Việt Nam duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, cùng duy trì hoà bình, ổn định trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ hai nước phát triển.
Với tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung Quốc mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam vào Trung Quốc; có chính sách và biện pháp thiết thực để giảm mức nhập siêu lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững; hoan nghênh các doanh nghiệp hiện đại của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu với Việt Nam và sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam để thương mại hai nước phát triển theo hướng cân bằng, bền vững. Thời gian qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp mở rộng nhập khẩu từ Việt Nam và đã từng bước giảm nhập siêu của Việt Nam. Năm ngoái xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 36,8% và trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy xu thế này.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những kết quả tích cực của các cơ chế đàm phán và hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa hai nước, cũng như những tiến triển bước đầu trong đàm phán thực chất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc vừa qua; đồng thời đề nghị hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Trong chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc tọa đàm và gặp gỡ một số doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, năng lượng, tài chính ngân hàng, quỹ đầu tư, cơ sở hạ tầng, thương mại...
Thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra với các doanh nghiệp Trung Quốc là tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư hai bên còn rất lớn. Thủ tướng nêu thế mạnh của Việt Nam là hàng hóa nông sản rất phong phú, đa dạng, đã có mặt tại những thị trường khó tính nhất như EU, Mỹ, Nhật Bản... Trong khi giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc năm nay chỉ khoảng 35 tỷ USD.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác doanh nghiệp hai nước: “Tôi xin nhấn mạnh là nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được người Trung Quốc rất ưa chuộng. Tuy vậy những nông sản thực phẩm chưa đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, mà chủ yếu ở phía Nam Trung Quốc là các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Việt Nam là nước nhập siêu lớn của Trung Quốc, các bạn cần nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam, trước hết là sản phẩm nông nghiệp, để hướng đến cân bằng thương mại giữa hai nước. Điều đó cũng là thực hiện theo chủ trương của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, nhiều lần nói với chúng tôi là rất muốn tiến đến cân bằng thương mại hai nước”.
Các nhà đầu tư Trung Quốc phát biểu đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh nông nghiệp, chế biến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và thế giới.
Ông Pu Jian, lãnh đạo Tập đoàn CITIC International Asset Management khu vực Hong Kong, cho biết: “Chúng tôi có chi nhánh ở Hồng Công đã có lịch sử 100 năm nay, chuyên làm về nhập khẩu, trong đó có nhiều mặt hàng, gạo, hoa quả và nhiều sản phẩm khác. Chúng tôi hy vọng công ty này sẽ đưa các mặt hàng của Việt Nam đi sâu vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra tập đoàn cũng chiếm cổ phần lớn của MacDonald’s ở Trung Quốc và hiện MacDonald’s có khoảng 3.500 cửa hàng. Nếu qua kênh này thì cũng có thể tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam ở khắp thị trường Trung Quốc”.
Có thể thấy, thông điệp quan trọng từ chuyến tham dự hội chợ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đối với sự kiện, đồng thời thể hiện sự coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh với Trung Quốc, mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại phát triển bền vững; khuyến khích các bộ, ngành và địa phương hai nước tăng cường hợp tác cùng có lợi; ủng hộ lẫn nhau trong việc tổ chức các sự kiện lớn ở mỗi nước./.
Theo Vũ Dũng (VOV)