Quyết liệt xử lý các công trình sai phạm ở Sóc Sơn trong tháng 11
Trước việc một số hộ dân xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã lập danh sách tháo dỡ đối với 18 trường hợp.
Công trình xây dựng trong rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Trường xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) đã được người dân tự giác tháo dỡ phần vi phạm. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)
Để người dân chấp hành chủ trương trên, xã Minh Phú tuyên truyền vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình, trong trường hợp cố tình không tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế giải tỏa.
Tính đến ngày 5.11, có 5 hộ đã và đang tháo dỡ công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ. Các công trình bị tháo dỡ đều xây dựng bằng gạch đặc, bêtông, ximăng... trong những năm 2016-2018. Trước đó, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã phê duyệt kế hoạch 62/KH-UBND của xã Minh Phú về việc phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo kế hoạch trên, Ủy ban Nhân dân xã Minh Phú đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để người dân nắm được, đồng thời yêu cầu các hộ vi phạm ký nhận vào biên bản bàn giao quyết định phá dỡ. Bên cạnh những hộ dân tự giác tháo dỡ còn có một số hộ dân chưa đồng tình với chủ trương của xã Minh Phú và huyện Sóc Sơn. Ông Chu Tuấn Thanh có vợ là Vũ Thị Huệ là người mua mảnh đất rừng ở tổ 4 thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) từ những năm 2004 với diện tích 1.800 m2. Từ nhiều năm nay, gia đình ông Thanh đã xây một công trình để ở có diện tích 79 m2. Hiện nay, gia đình ông cũng nằm trong danh sách bị tháo dỡ của xã Minh Phú. Ông Thanh cho biết, quá trình mua bán đất có sự xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã Minh Phú. "Xã yêu cầu là phá dỡ nhưng tôi đề nghị phải có sự phân tích, đánh giá, kiểm tra, làm rõ vấn đề ra. Nếu lúc đó sai thì cũng chấp nhận và người tư vấn chuyển giao đất cho tôi cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật," ông Thanh nói. Trao đổi về việc người dân chưa thấy thuyết phục khi bị xử lý vi phạm, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường - Tổ trưởng tổ phục vụ thanh tra quản lý, sử dụng đất rừng ở Sóc Sơn cho biết, đến thời điểm này Ủy ban Nhân dân huyện chưa nhận được phản ánh của người dân bằng văn bản kiến nghị về việc xử lý công trình trên đất rừng.
“Đến giờ này chúng tôi cũng chưa chịu áp lực nào từ trên hoặc các trường hợp vi phạm. Chúng tôi cho rằng việc thực hiện là hết sức quyết liệt, trong tháng 11 sẽ kết thúc xử lý công trình vi phạm,” ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh. Về việc tháo dỡ các công trình vi phạm, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết, đã chỉ đạo xã Minh Phú xây dựng kế hoạch xử lý 10 chủ đầu tư gồm ông Ngô Văn Cam, bà Vũ Thị Huệ, bà Đào Thị Thanh Thủy, bà Vũ Thị Hải, bà Nguyễn Thị Thu Hà, bà Nguyễn Hồng Thủy, bà Lê Quỳnh Trang, ông Hoàng Vượng, bà Nguyễn Thị Tâm, bà Tạ Phạm Bích Thủy, xong trước ngày 20.11. Đồng thời, tiếp tục vận động, tuyên truyền 4 chủ đầu tư là: ông Phạm Mạnh Hà, bà Lâm Thị Minh Phúc, ông Lê Xuân Long, ông Nguyễn Hải Hòa tự khắc phục hậu quả các công trình vi phạm. Còn trong văn bản số 2185/UBND-TTXD của huyện Sóc Sơn có giao Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Minh Phú kiểm tra, rà soát đối với các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, kết quả kiểm tra, lập biên bản ban đầu xác định khối lượng vi phạm. Giao Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban Nhân dân xã Minh Phú hoàn chỉnh kế hoạch, phương án tháo dỡ theo quy định; Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của Ủy ban Nhân dân xã Minh Phú./
Theo MẠNH KHÁNH (TTXVN/VIETNAM+)