Sẽ khó tìm được Hiệu trưởng giỏi
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 6.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).
Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5. Nhiều đại biểu cho rằng, dù có quan hệ chặt chẽ với Luật Giáo dục, song Luật Giáo dục đại học (GDĐH) chỉ tuân thủ nguyên tắc, nguyên lý cơ bản về GD&ĐT. Cho đến nay, hầu hết các nội dung giữa 2 Dự thảo luật cơ bản đã thống nhất, không có xung đột, mâu thuẫn. Việc thông qua Luật GDĐH tại kỳ họp này là cần thiết để kịp thời tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐH một cách thực chất.
ĐB Huỳnh Cao Nhất phát biểu tại hội trường sáng 6.11.
Góp ý về quy định xếp hạng cơ sở GDĐH, ngành đào tạo (Điều 9), đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Đoàn Bình Định) cho rằng dự thảo chỉ mới quy định các pháp nhân phi thương mại được thực hiện xếp hạng; không quy định pháp nhân phi thương mại hoạt động trong lĩnh vực nào thì được thực hiện hay tất cả các các pháp nhân phi thương mại đều được thực hiện hoạt động này. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định chặt chẽ hơn chủ thể có quyền thực hiện xếp hạng, để làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện.
Về Hội đồng trường Đại học công lập (Điều 16), dự thảo quy định thành viên ngoài trường chiếm tỉ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, gồm: đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn trường hoặc hội nghị đại biểu trong trường bầu chọn (các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên uy tín); đại diện cơ quan, tổ chức sử dụng lao động. Theo ĐB Nhất, điều này chưa hợp lý. “Vì việc bầu chọn để một số chủ thể như: nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân tham gia vào Hội đồng trường là điều họ không mong muốn”, ông Nhất phân tích. Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định lại cho phù hợp hơn, hoặc thông qua các tổ chức cử đại diện cho phù hợp với thực tế.
Về Hiệu trưởng (Điều 20), ông băn khoăn về nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học được quy định trong dự thảo là rất lớn, trong đó có việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tài sản, hợp tác trong nước và quốc tế... và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Như vậy, song song với Hội đồng trường, Hiệu trưởng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nhà trường cũng như tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng đại học.
Tuy nhiên, ông Nhất cho rằng Khoản 1 Điều 20 quy định Hiệu trưởng cơ sở GDĐH công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận là chưa rõ ràng, thiếu tính công khai và sẽ khó tìm được Hiệu trưởng giỏi cho nhà trường. Vì vậy, theo ông cần quy định rõ hình thức “quyết định” (thi tuyển, hay xét chọn…) để đảm bảo tính dân chủ, công khai, công bằng và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho nhiều người giỏi có cơ hội tham gia lãnh đạo cơ sở GDĐH công lập góp phần xây dựng được nhiều trường đại học có thương hiệu phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.
Về mở ngành đào tạo, khoản 5 Điều 33 dự thảo luật quy định: trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định tại luật này; nếu không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu thì cơ sở giáo dục đại học không được tiếp tục tuyển sinh; phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, đảm bảo quyền lợi cho người học.
Ông Nhất quan tâm đến quyền lợi của người học sẽ được giải quyết thế nào, họ có được cấp bằng tốt nghiệp không, nếu trong trường hợp người học được học chương trình đào tạo không được đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt, tức là chương trình không đảm bảo chuẩn đầu ra. Vì theo ông, tại khoản 1, Điều 38 quy định về Văn bằng GDĐH thì người học phải hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì mới được hiệu trưởng cơ sở đào tạo cấp bằng.
“Nhưng ở đây họ lại được học chương trình chưa thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt, tức là chương trình chưa đảm bảo chuẩn đầu ra thì đương nhiên theo Điều 38 họ sẽ không được cấp bằng”, ông Nhất nhấn mạnh và đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn nội dung này, hoặc quy định phù hợp hơn để đảm bảo quyền lợi của người học.
SỸ NGUYÊN