“Đóng cửa” nghĩa trang Quy Nhơn: Yêu cầu cấp thiết!
Theo thông báo của UBND TP Quy Nhơn, bắt đầu từ ngày 22.10.2018, việc mai táng và cải táng bị nghiêm cấm dưới tất cả mọi hình thức tại Nghĩa trang Quy Nhơn (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn), trừ khu nghĩa trang Trung cao. Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam đã có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết, vì sao UBND TP Quy Nhơn ban hành thông báo trên?
- Đầu tiên, xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương. Nghĩa trang Quy Nhơn thuộc tổ 28, khu vực 3, phường Quang Trung, diện tích theo bản đồ năm 2000 là hơn 137 ngàn m2, gồm Nghĩa trang liệt sĩ Quy Nhơn, khu nghĩa trang chôn cất cán bộ Trung cao, khu nghĩa trang Phật giáo.
Tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng mồ mả trên núi Vũng Chua, phía sau nghĩa trang Phật giáo hết sức phức tạp.
Từ năm 1994, khi Nghĩa trang Quy Nhơn không còn đất mai táng, UBND tỉnh đã cho chủ trương chuyển việc mai táng người chết lên nghĩa trang mới của thành phố ở khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân. Kể từ tháng 1.1997, Nghĩa trang mới bắt đầu hoạt động. UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản thông báo cho cán bộ, nhân dân biết việc di dời nghĩa trang ra ngoại thành và nghiêm cấm mai táng người chết ở các khu vực nội thành.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân ở các phường Quang Trung, Ngô Mây, Lê Hồng Phong, Đống Đa… thực hiện mai táng người chết tại Nghĩa trang Quy Nhơn, nhất là khu vực giáp ranh trên núi Vũng Chua. Theo số liệu ước tính đến năm 2018, tổng diện tích Nghĩa trang đã hơn 148 ngàn m2, tức là tăng thêm do lấn chiếm núi Vũng Chua hơn… 11.000 m2. Việc này ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, vệ sinh môi trường tại khu vực xung quanh Nghĩa trang Quy Nhơn. Do vậy, việc đóng cửa Nghĩa trang Quy Nhơn là cần thiết, nhằm từng bước thực hiện công tác chỉnh trang đô thị và chống ô nhiễm môi trường ở địa phương.
* Theo phản ánh của người dân, tại Nghĩa trang Quy Nhơn hiện có khá nhiều “mộ gió” - tức chỉ chiếm chỗ, chưa chôn cất thực sự. Xin ông thông tin cụ thể về vấn đề này và hướng giải quyết?
- Theo thống kê của UBND phường Quang Trung, số lượng “mộ gió” chưa chôn cất tại khu cán bộ Trung cao khoảng 120 mộ, khu nghĩa trang Phật giáo khoảng 200 mộ (trong đó có một số mộ còn trống sau khi hốt cốt), khu lấn chiếm đất núi Vũng Chua có khoảng 200 mộ tĩnh tâm, xây chìm dưới đất (mỗi mộ ngang 90 cm, dài 2,3 m, sâu 1 m).
Việc đặt cọc giữ chỗ các “mộ gió” tại nghĩa trang Phật giáo là trái quy định của pháp luật, các đối tượng tự ý mua bán, sang nhượng trái phép vì thực tế đã có văn bản cấm mai táng tại đây từ năm 1997. UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND phường Quang Trung và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, làm rõ nội dung thông tin này, báo cáo để xem xét, xử lý theo quy định.
Về hướng giải quyết, chúng tôi sẽ chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng mồ mả trên núi Vũng Chua (phía sau nghĩa trang Phật giáo); xử lý kiên quyết đối với các trường hợp có hành vi vi phạm. Đồng thời, tiến hành lắp dựng barie tại các cổng ra vào nghĩa trang Phật giáo, tăng cường lực lượng kiểm tra để ngăn chặn xe rồng đưa vào mai táng.
* Với sự phát triển KT-XH hiện nay, nhu cầu sử dụng đất ở TP Quy Nhơn ngày càng lớn, trong khi quỹ đất có hạn. Để đáp ứng nhu cầu đất mai táng, chính quyền thành phố đã và sẽ có giải pháp gì? Về lâu dài, có tính đến phương án xây dựng công trình hỏa táng?
- Để đáp ứng nhu cầu đất mai táng, hiện nay trên địa bàn TP Quy Nhơn có 2 dự án đang được thực hiện: mở rộng Nghĩa trang Bùi Thị Xuân và Công viên nghĩa trang Bình Định An Viên.
"Việc quản lý tại Nghĩa trang Quy Nhơn rất khó khăn, phức tạp. Tổ quản lý nghĩa trang thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn chỉ có một người phụ trách và chỉ quản lý việc chôn cất tại khu cán bộ Trung cao. UBND phường Quang Trung gặp khó khăn trong công tác quản lý phần nghĩa trang còn lại. Các nhóm đối tượng san lấp, chôn cất, xây mộ gió thường làm ngoài giờ hoặc bỏ trốn khi phường đi kiểm tra, xử lý. Việc sang nhượng đất thổ mộ là trái phép, người dân đem đến an táng UBND phường không ngăn chặn được, đến khi tiến hành xây dựng mộ thì đã có thi thể được chôn, không thể phá bỏ. Hơn nữa, chủ rừng được Nhà nước giao rừng nhưng quản lý, bảo vệ chưa tốt nên việc lấn chiếm ngày càng diễn biến phức tạp”.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn NGÔ HOÀNG NAM
Dự án mở rộng Nghĩa trang Bùi Thị Xuân có tổng diện tích 7,7 ha, do Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn làm chủ đầu tư. Công ty đang tiến hành giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình; dự kiến quý IV/2018 tiến hành xây dựng, đầu năm 2019 sẽ đưa vào khai thác và tiếp tục thi công cuốn chiếu.
Còn Công viên nghĩa trang Bình Định An Viên do Công ty TNHH Xây dựng - dịch vụ Nghĩa trang An Lộc Phát làm chủ đầu tư, được xây dựng tại khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân với tổng diện tích 59,11 ha. Dự án này được đầu tư thành 3 giai đoạn; hiện nay đã thực hiện xong giai đoạn 1 với 22 ha, chủ đầu tư đang trình phê duyệt giá bán các lô mộ, dự kiến đầu năm 2019 sẽ đưa vào khai thác.
Trong năm 2019, tiếp tục triển khai dự án, mở rộng diện tích chôn mộ và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu chôn cất theo hình thức hỏa táng, hướng tới mục tiêu đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm diện tích chôn cất, chủ đầu tư cũng sẽ triển khai thủ tục xây dựng lò hỏa táng với diện tích khoảng 5,3 ha trong khuôn viên dự án. Việc xây dựng lò hỏa táng là thực sự cần thiết, phù hợp với xu thế, định hướng phát triển thành phố trong thời gian đến.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)