“Gỡ rối” trong thực hiện chính sách pháp luật về lao động: Tăng cường gặp gỡ, đối thoại
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho DN trong triển khai chính sách pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách này tại DN, từ cuối tháng 9.2018, ngành LÐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều đợt tuyên truyền, nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại.
Đại diện DN đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại về pháp luật lao động vào cuối tháng 9.2018.
Cuối tháng 9.2018, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị đối thoại về áp dụng pháp luật lao động với đại diện của hơn 200 DN có quy mô từ 50 lao động trở lên. Ngày 6.11, Sở LĐ-TB&XH cùng LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh tổ chức Hội thảo tuyên truyền chính sách lao động, tiền lương, BHXH cho cán bộ Phòng LĐ-TB&XH, LĐLĐ, BHXH 11 huyện, thị xã, thành phố.
Giải đáp nhiều thắc mắc
Phản ánh từ phía đại diện người sử dụng lao động, việc thực hiện các chính sách lao động, tiền lương, BHXH hiện gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử như thực hiện quy định về thời giờ nghỉ ngơi, đại diện một DN nêu ví dụ: người lao động xin nghỉ phép để giải quyết công việc nhà, sau đó, dù chưa hết thời gian nghỉ phép, họ đã đi làm lại, trong khi DN không có nhu cầu huy động người lao động thì tại sao chủ sử dụng lao động phải trả lương cho thời gian làm việc này?
Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định: Quan điểm của luật là bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả bên lao động và sử dụng lao động. Do đó, nếu người lao động làm việc trong thời gian đang nghỉ phép thì vẫn phải trả lương theo đúng quy định làm việc trong ngày nghỉ. Tuy nhiên, DN cần xem lại khâu kiểm soát, bởi lẽ nếu không có thỏa thuận ngầm của DN, người lao động không thể quay lại làm việc trong thời gian nghỉ phép”.
Nhiều DN khác quan ngại việc phải đạt thỏa thuận với người lao động. Ví dụ, rất nhiều người lao động ham việc, luôn có nguyện vọng tăng ca và khẳng định không cần nghỉ bù. Hoặc, vì đặc thù công việc, DN không thể sắp xếp cho người lao động nghỉ vào các ngày cuối tuần nên đã sắp xếp nghỉ bù vào khung thời gian khác. Thế nhưng, DN rất vất vả khi buộc người lao động nghỉ bù để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật -
tối thiểu 4 ngày nghỉ/tháng/người. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, phân tích: DN phải xây dựng nội quy lao động, niêm yết để người lao động hiểu và thực hiện theo. Rõ ràng, nếu DN không phân công, người lao động buộc phải nghỉ theo kế hoạch.
Đề cập đến đặc thù của lao động ngành gỗ Bình Định, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định bàn đến vấn đề: vì công việc mang tính thời vụ nên hợp đồng lao động chỉ ký trong 8 tháng, như vậy là người lao động không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp (yêu cầu là phải đóng đủ 12 tháng). Nên chăng có chính sách đặc thù cho lao động ngành gỗ? Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐ-TB&XH, phân tích: Quy định đưa ra là phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên chứ không đòi hỏi tính liên tục. Trong vòng hai năm, người lao động được ký tiếp hợp đồng sẽ được cộng dồn thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đến khi đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Các đại biểu trao đổi về những vướng mắc nảy sinh từ thực tế trong quá trình thực hiện chính sách tại Hội thảo tuyên truyền chính sách lao động, tiền lương, BHXH vừa qua.
Tham gia giám sát
Từ các chương trình gặp gỡ, đối thoại, không chỉ các DN, người lao động được giải đáp thắc mắc mà cả các ngành cũng ghi nhận được những tình huống phát sinh từ thực tế thực hiện chính sách để có những kiến nghị phù hợp lên cơ quan cấp trên.
Tại Hội thảo tuyên truyền chính sách lao động, tiền lương và BHXH ngày 6.11, bà Lê Thị Thu Hường, Phó Giám đốc BHXH huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Thời gian qua, một số trường hợp người lao động thâm niên 14, 15 năm nghỉ việc, hưởng trợ cấp BHXH 1 lần. Khi tôi hỏi vì sao không cố gắng vài năm nữa để đủ 20 năm và hưởng lương hưu, có BHYT, họ cho biết: DN bắt buộc họ nghỉ rồi sau đó sẽ ký lại hợp đồng lại từ đầu theo mức lương tối thiểu. Chúng ta nên làm gì để đảm bảo quyền lợi cho những người lao động này? Chưa kể, vì có thâm niên, đối tượng sẽ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp rất cao, nếu xảy ra hàng loạt những trường hợp như vậy, quỹ bảo hiểm thất nghiệp có nguy cơ vỡ”.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Lao động và BHXH (Sở LĐ-TB&XH) nói: “Chúng tôi cũng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự. DN thì cho rằng làm thế nào thì hưởng thế ấy. Để giải quyết vấn đề, ta nên tư vấn để người lao động phát đơn kiện chủ sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi hoặc đề nghị tổ chức công đoàn vào cuộc, hỗ trợ người lao động”.
Bà Cao Thị Chinh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Tây Sơn, góp thêm: “Cũng rất khó để LĐLĐ có thể vào cuộc đòi quyền lợi cho tất cả người lao động ở những đơn vị chưa có tổ chức công đoàn. Ví dụ như huyện Tây Sơn có khoảng 160 DN nhỏ và rất nhỏ, trong số này chỉ 22 DN có tổ chức công đoàn”.
Cán bộ BHXH huyện Hoài Nhơn đề cập một vướng mắc khác trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Quan điểm của bảo hiểm là có đóng thì có hưởng nhưng chủ một DN nhỏ có tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đến khi không làm việc nữa lại không được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Đặng Văn Lý, Trưởng phòng Quản lý thu BHXH tỉnh, trao đổi: Vừa qua, huyện An Lão cũng có một trường hợp tương tự. Người chồng là chủ DN nhưng vì một lý do nào đó đã chuyển vai trò chủ sử dụng lao động cho vợ và ông ta thất nghiệp. Trường hợp này cũng không được giải quyết bảo hiểm thất nghiệp vì lý do chủ sử dụng lao động chỉ được xem là thất nghiệp khi DN bị phá sản, giải thể. BHXH tỉnh đã trao đổi với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh về vấn đề này, mong có câu trả lời chính thức để hướng dẫn cho BHXH các huyện, thị, thành trong tỉnh triển khai đối với những trường hợp tương tự. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết sẽ xin hướng dẫn của Cục Việc làm.
NGUYỄN MUỘI