Bền chặt nghĩa tình đồng bào
Nhiều năm qua, các địa phương, đơn vị ở TP Quy Nhơn đã duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động kết nghĩa với các địa phương, đơn vị vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Phát huy nghĩa “thâm giao”
10 năm qua, năm nào Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn) cũng có chuyến thăm Trường TH và THCS bán trú Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), mang theo nhiều trang thiết bị, cùng 40 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo thầy Nguyễn Quốc Cung - Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Ngô Mây, bên cạnh hỗ trợ về cơ sở vật chất, các tổ trưởng chuyên môn và giáo viên nhiều kinh nghiệm của trường còn chia sẻ kinh nghiệm và tài liệu giảng dạy cho các đồng nghiệp ở miền núi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường THCS Ngô Mây đến thăm, tặng quà cho Trường TH và THCS bán trú Vĩnh Kim đầu năm học 2018 - 2019.
“Mỗi cuộc gặp mặt, giao lưu đều có sự tham gia của các em học sinh. Tận mắt nhìn thấy điều kiện khó khăn trong học tập và sinh hoạt của các bạn cùng trang lứa ở miền núi, các em chia sẻ, vận động bạn bè cùng tích cực tiết kiệm, đóng góp để mức hỗ trợ ngày càng nhiều hơn”, thầy Cung chia sẻ.
Bước vào năm học 2018 - 2019, chương trình kết nghĩa theo chủ trương của Công đoàn ngành Giáo dục không còn, nhưng mối “thâm giao” giữa 2 trường vẫn chưa hết. Nhân dịp đại hội công nhân viên chức của trường bạn, không vận động rình rang, nhưng Trường THCS Ngô Mây vẫn có đoàn công tác lên thăm và tặng quà. “Thấy các em còn dùng nước chưa hợp vệ sinh, tôi mang tặng một máy lọc nước, chỉ mong các em bớt nhọc nhằn mà yên tâm học hành”, thầy giáo tiếng Anh Nguyễn Hữu Tài chia sẻ.
Bên cạnh mối thâm giao này, nhiều trường học ở TP Quy Nhơn cũng kết nghĩa bền chặt với các trường miền núi. Trường THCS Lê Hồng Phong kết nghĩa với Trường THCS bán trú Đinh Nỉ, Trường THCS Trần Hưng Đạo với Trường THCS bán trú Đinh Rúi (An Lão); Trường THCS Lê Lợi với Trường THCS bán trú Canh Liên, Trường THCS Tây Sơn với Trường THCS bán trú Canh Thuận (Vân Canh); Trường THCS Lương Thế Vinh với Trường THCS bán trú Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh). Từ khi kết nghĩa đến nay, các trường đã có nhiều hoạt động thiết thực, thăm, tặng quà, hỗ trợ tiền mặt với tổng giá trị trên 500 triệu đồng.
Thu hút nguồn lực, hỗ trợ “trọng điểm”
Bên cạnh “điểm son” từ các trường học, hoạt động kết nghĩa với các địa phương miền núi cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cấp, ngành của TP Quy Nhơn. Trong giai đoạn 2013 - 2018, TP Quy Nhơn đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà công vụ UBND huyện Vân Canh và xã Canh Liên, với tổng giá trị trên 3,5 tỉ đồng; các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố hỗ trợ 5 tivi màn hình led và một số trang thiết bị khác cho nhà công vụ xã Canh Liên.
Đồng thời, lực lượng vũ trang thành phố đã kết nghĩa với làng Kà Te (xã Canh Thuận) và làng Kà Bông (xã Canh Liên, huyện Vân Canh). Qua đó, trao đổi, phối hợp với ban quản lý làng, người có uy tín tổ chức hòa giải kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân. Trong 6 năm qua, đã đi thăm, giao lưu và hỗ trợ cho 2 làng khoảng 10 tấn gạo, 460 suất quà, 5.000 bộ quần áo; hỗ trợ xây nhà văn hóa cộng đồng, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt… với tổng trị giá 475 triệu đồng.
Chưa hết, MTTQ và các hội đoàn thể thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 13 nhà cho hộ nghèo và giúp 1 hộ thoát nghèo tại làng Canh Tân (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh); tổ chức 51 đợt giao lưu, thăm hỏi, tặng quà cho MTTQ, hội đoàn thể các địa phương kết nghĩa và hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quy Nhơn Trần Văn Thanh, mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo thành phố là nâng cao chất lượng hoạt động kết nghĩa. Thời gian tới, cần phối hợp khảo sát, nắm tình hình và tiến hành ký kết chương trình phối hợp lâu dài - ít nhất là 5 năm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động từng năm, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Nội dung kết nghĩa hỗ trợ phải có sự đổi mới, thiết thực, đạt hiệu quả bền vững hơn so với những năm trước.
“Cần tập trung đầu tư theo hình thức mô hình thí điểm, nghiên cứu xây dựng tại mỗi xã, làng hoặc thôn từ 1-2 mô hình điểm, nhóm hộ, tổ hợp tác liên kết hỗ trợ… đảm bảo phát huy tốt tinh thần dân chủ tự nguyện, tự chủ của các gia đình - nhất là những hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có sức lao động, có tinh thần vươn lên thoát nghèo; cần sự hỗ trợ tập trung, giảm dần hình thức nhỏ lẻ”, ông Thanh phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG