Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số tại Vân Canh: Cần động lực ban đầu
Là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Vân Canh có nền tảng cơ bản tạo nên phông văn hóa đa dạng, phong phú. Tuy vậy, trong xu thế tiếp thu tinh hoa để phát triển, giữ gìn bản sắc trong bối cảnh hội nhập, nhiều vấn đề đang được đặt ra trong công tác bảo tồn, phát huy.
Tôi đến làng Hà Văn Trên trước tiên bởi đây là làng có sinh hoạt cồng chiêng khá trong huyện. Ông Nguyễn Sinh Cơ, một nghệ nhân Bana tâm sự: “Từ nhiều năm trước tôi đã bàn với người già trong làng, mời gọi những người biết trình diễn cồng chiêng về dạy cho lũ trẻ, rồi vận động lũ trẻ tham gia nữa. Khi ấy tôi còn là bí thư chi bộ thôn nên mạnh dạn lồng ghép nội dung bảo tồn cồng chiêng vào sinh hoạt. Nỗ lực của cả làng có kết quả tốt đẹp là ở làng tôi, có nhiều thanh niên biết đánh cồng chiêng, múa xoang. Tôi vui nhưng tôi cũng còn buồn lo, giá như cả 8/8 làng của xã Canh Thuận đều rộn ràng như làng chúng tôi thì đồng bào Bana sẽ mừng vui hơn nữa”.
Biểu diễn trống kơ - toang - nhạc cụ đặc trưng của người Chăm H’roi.
Không phải chỉ có người già của đồng bào Bana mới trăn trở, nghệ nhân Lê Văn Ru, già làng Chăm H’roi ở làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh chia sẻ: “Trước đây, đồng bào mình ai cũng thích cồng chiêng, yêu tiếng trống kơ-toang. Nhưng giờ trong thanh niên, nhiều đứa không biết hát bài hát Chăm H’roi mình, không biết múa điệu múa của ông cha mình. Ngay như trống kơ-toang - nhạc cụ chỉ có ở người Chăm H’roi, nhưng ở làng tôi trống cũng hư hết trọi rồi, vừa rồi nhờ Nhà nước quan tâm nên làng được tặng 1 bộ. Nhưng bọn trẻ ít thích chơi, ít chịu tập, rồi đây những người già biết chơi trống qua đời hết rồi thì làm sao...”.
Thực tế tiếp xúc của tôi cho thấy, để bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, rất cần định hướng đúng, chiến lược và kế hoạch hành động hiệu quả, tạo động lực ban đầu của chính quyền. Cùng với việc tích cực tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi do Sở VH-TT tỉnh tổ chức, hàng năm các làng, các xã ở Vân Canh đều duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian dưới hình thức lễ hội, hội thi, hội diễn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa. Nhưng như đã đề cập ở trên, khá nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang bị mờ nhạt dần.
Theo ông Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện, dù duy trì được nhiều lễ hội truyền thống nhưng điểm đáng lo là chỉ người già mới biết, mới mặn mà với văn hóa truyền thống. Do vậy, mấy năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, chúng tôi cũng đã hướng việc bảo tồ̉n vào lớp trẻ. Đến nay đề án bảo tồn của huyện cũng đã về đến cấp xã. Cùng với đó, dự kiến sau khi tỉnh trao tặng cồng chiêng cho các làng xong, huyện sẽ tổ chức lễ hội cồng chiêng, cố gắng duy trì thành hoạt động thường niên. Huyện sẽ tập trung vào cồng chiêng, đột phá được điểm này thì các loại hình khác (dân ca, dân vũ, trống kơ-toang...) sẽ có nhiều cơ hội được chấn hưng.
Trò chuyện với tôi, chị La Thị Ngọc Ánh (22 tuổi, ở làng Hà Văn Trên) cho biết: Mỗi khi làng tổ chức lễ hội, sinh hoạt cồng chiêng, tôi thường tham gia múa xoang. Vài năm trước thấy người lớn múa, tôi và bạn bè thích nên làm theo. Vừa rồi xã có mở khóa dạy múa xoang, nhiều con gái trong làng rủ nhau tham gia. Ở làng tôi, bây giờ thanh niên biết chơi cồng chiêng, biết múa xoang được nhiều người khen là giỏi! Ai chưa biết cũng tìm cách học để bằng với bạn bè!
Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, Vân Canh sẽ cố gắng xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân, tổ chức nhiều hơn các lớp dạy cồng chiêng. Huyện sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các trường đưa cồng chiêng vào chương trình ngoại khóa. Tôi rất vui vì vừa rồi trường Phổ thông Dân tộc bán trú Canh Liên đã chủ động đề nghị huyện cho dạy cồng, chiêng cho học sinh!
THẢO KHUY