Cần quy định hợp lý đối với người nước ngoài hành nghề kiến trúc tại Việt Nam
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, ngày 8.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiến trúc. Tại đây, nhiều đại biểu (ĐB) đã bày tỏ băn khoăn về quy định quản lý người nước ngoài hành nghề kiến trúc tại Việt Nam.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh và các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Kiến trúc.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Đức (Bình Định), kiến trúc là một ngành mang tính nghệ thuật và khoa học, đồng thời thể hiện tính sáng tạo cao. Cho đến nay khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động này tản mạn trong các luật như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản văn hóa... và một số văn bản dưới luật.
Bởi vậy, tính pháp lý chưa cao, chưa tạo được sức mạnh khai thác công cụ kiến trúc cũng như tiềm năng của đội ngũ kiến trúc sư trong quá trình phát triển KT-XH đất nước. Việc sớm xây dựng Luật Kiến trúc nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, toàn diện cho hoạt động kiến trúc là rất cần thiết, thể hiện chủ trương, đường lối phát triển KT-XH trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.
Dự án Luật Kiến trúc ban hành sẽ phải bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 10 điều của 3 luật là Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đầu tư. ĐB Đức đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ để tránh trường hợp điều chỉnh quá nhiều luật, ảnh hưởng đến tính ổn định của các luật hiện hành.
Điều 16 quy định về dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc; tại khoản 1 quy định 6 dịch vụ kiến trúc. Các đối tượng như tổ chức, cá nhân hành nghề độc lập, cá nhân trong các tổ chức hành nghề kiến trúc đối chiếu vào 6 dịch vụ này để làm địa bàn hoạt động. Tuy nhiên, rà soát toàn bộ các điều khoản còn lại của luật thì vắng bóng chế tài xử lý các trường hợp vi phạm địa bàn hay lĩnh vực dịch vụ kiến trúc này. ĐB Đức đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.
Về hành nghề kiến trúc tại Việt Nam của người nước ngoài (điều 26), ông Đức cho rằng, nội dung của điều này mới chỉ điều chỉnh phần “ngọn”, tức là người nước ngoài có chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại Việt Nam hoặc chứng chỉ hành nghề nước ngoài còn hiệu lực được công nhận, chuyển đổi theo quy định. Quy định như vậy chưa đầy đủ, dễ sơ hở, bị lợi dụng.
“Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thủ tục hồ sơ, cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề cũng như thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài. Đồng thời cụ thể hóa quy định của Bộ luật lao động về trường hợp công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động”, ông Đức nói.
Trong khi đó, ĐB Lê Công Nhường nêu thực tế tại Bình Định có kiến trúc sư người Pháp Jean-Francois Milou tham gia xây dựng các công trình kiến trúc tầm cỡ thế giới như Tổ hợp không gian khoa học, Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành… Cùng với đó là một số kiến trúc sư Ba Lan hằng năm đều tham gia tôn tạo các công trình tháp cổ.
“Nếu bảo họ đăng ký hành nghề này nọ chắc là khó; như ông Milou hành nghề trên toàn thế giới, sau khi phác thảo ý tưởng, báo cáo cho UBND tỉnh xong thì giao cho các công ty trong nước thực hiện ý đồ và làm thủ tục liên quan. Do đó, cần tính toán quy định hợp lý, phải bổ sung điều khoản liên kết giữa các kiến trúc sư nước ngoài với các công ty thiết kế trong nước”, ông Nhường đề xuất.
Ở một khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, kiến trúc ở các khu đô thị, vùng nông thôn khó điều chỉnh, trừ những đô thị mới. Trong khi đó, nước ta đang phát triển mạnh kinh tế biển, sắp tới còn có đường trục ven biển, nên ngay bây giờ cần đưa ra quy tắc áp dụng đối với kiến trúc ở các khu vực dọc bờ biển để đảm bảo cảnh quan, phát triển du lịch bền vững, giữ vững an ninh - quốc phòng.
MAI LÂM