Cần xác định cụ thể các đối tượng người khuyết tật để có phương thức giáo dục hòa nhập phù hợp
Chiều ngày 8.11, Quốc hội thảo luận tổ cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, rà soát các nội dung của Luật Giáo dục để sửa đổi một cách toàn diện theo Nghị quyết số 64/2018/QH14 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
ĐB Huỳnh Cao Nhất nêu ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi.
Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, nhằm tạo cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế.
Góp ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), tuy thống nhất với phương thức giáo dục hòa nhập, nhưng ĐB Huỳnh Cao Nhất (Đoàn Bình Định) kiến nghị cần xác định cụ thể các đối tượng khuyết tật để từ đó quy định biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện giáo dục hòa nhập. “Các em khuyết tật có được học chung với các em bình thường khác hay như thế nào?”, ông đặt câu hỏi và băn khoăn về quy định nói trên.
Về mục tiêu giáo dục phổ thông, ĐB Nhất cho rằng Điều 28 dự thảo luật còn quy định chung chung, trừu tượng dẫn đến có thể nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội cùng thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh. Ông đề nghị Ban soạn thảo cần quy định lại để phù hợp với kỹ thuật lập pháp, nội dung các điều luật phải rõ ràng, cụ thể.
Về chương trình sách giáo khoa, khoản 2 điều 30 dự thảo luật quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh”. ĐB Nhất băn khoăn quy định này sẽ không tạo được sự ổn định trong vấn đề lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục, vì theo ông: “chín người, mười ý, từng thời điểm họ có những ý kiến khác nhau”.
Về cơ sở giáo dục phổ thông, khoản 4 điều 31 quy định trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo ông Nhất, tâm sinh lý học sinh ở mỗi cấp học khác nhau, nếu tập trung vào một trường sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Ông kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ và có giải trình cụ thể.
Về quy định tiêu chuẩn nhà giáo phải có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt (khoản 1 điều 66), theo ông Nhất cần xác định cụ thể hơn để nhà giáo có hướng phấn đấu rèn luyện, đảm bảo đầy đủ các phẩm chất của người giáo viên; làm tấm gương cho sinh viên sư phạm noi gương học tập, đồng thời ngăn ngừa những hành vi tiêu cực của nhà giáo.
Đồng quan điểm với một số đại biểu khác, ĐB Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị cần sửa đổi quy định người học không được hút thuốc, uống rượu, bia “trong giờ học” thành “trong trường học” để bao quát và chính xác hơn về nội dung quy định về hành vi người học không được làm (khoản 3 điều 82).
Về sách giáo khoa, ĐB Cảnh đề xuất chỉ nên biên soạn một số môn học như: Văn, Lịch sử, Địa lý phù hợp với Việt Nam, còn các môn khoa học khác mang tầm quốc tế như Toán, Vật lý... nên biên dịch và áp dụng chung để đáp ứng yêu cầu chung của quốc tế.
SỸ NGUYÊN