Phát triển du lịch bền vững
Các đại biểu cho rằng, việc tăng trưởng phát triển du lịch luôn là vấn đề quan trọng trong bối cảnh du lịch ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tìm các giải pháp vừa đảm bảo phát triển du lịch, vừa bảo vệ, gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch là việc cần được ưu tiên.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh:HL
Ngày 8.11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo “Du lịch với tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, trên thế giới, du lịch đang phát triển nhanh và mạnh. Đây là ngành kinh tế giữ được sự tăng trưởng liên tục, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế.
Với Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; ban hành nhiều chính sách để tạo thuận lợi cho du lịch phát triển. Tại các địa phương, du lịch đang ngày càng được đầu tư, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược để góp phần phát triển du lịch theo hướng quy mô và chuyên nghiệp hơn.
Theo báo cáo thường niên của Tổng cục Du lịch, đóng góp của du lịch vào GDP năm 2017 đạt khoảng 396.000 tỷ đồng (tương đương 7% GDP). Năm 2018, dự báo khách quốc tế đến Việt Nam tăng 22-24%, khách nội địa tăng 8-10% và tổng thu từ khách du lịch tăng 16-18%.
Tại các địa phương, du lịch đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2016, du lịch Đà Nẵng đã đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố là 23,72%; trong đó, đóng góp trực tiếp là 13,24% và gián tiếp là 10,48%. Riêng đối với Hà Nội, năm 2017, đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch vào GRDP của Hà Nội là 3,24% và đóng góp gián tiếp là 4,83%.
Để du lịch phát triển bền vững, trong thời gian tới, theo các đại biểu, cần tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách visa, thu hút đầu tư nước ngoài..., đồng thời phát huy thế mạnh về nguồn tài nguyên, đặc biệt là việc khai thác giá trị các di sản để phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, cần đầu tư về công tác xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề như: Tác động của du lịch Việt Nam đến phát triển kinh tế; Đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; Một số suy nghĩ về xu hướng phát triển du lịch thế giới, chiến lược phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch hiện đại ở Việt Nam; Tác động tương hỗ giữa du lịch – giao thông và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội; Du lịch Hà Nội đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô…/.
Theo Huy Lê (ĐCSVN)