Thời điểm thuận lợi để phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam đến năm 2025, trong đó đặt ra mục tiêu phát triển một số sản phẩm AI của riêng Việt Nam, dựa trên lợi thế của Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước và có khả năng vươn ra thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những định hướng, hành động để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển AI.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Savvycom)
- Xin Thứ trưởng cho biết, tại sao lại nói đây là “Thời điểm thuận lợi” để phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam?
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: AI phát triển từ lâu đời và là dòng chảy tiếp diễn của các nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như toán học, công nghệ thông tin (máy học hay thuật toán xử lý dữ liệu). Gần đây, AI có bước phát triển đột phá trên thế giới bởi sự phát triển của các công nghệ thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn.
Tại Việt Nam, AI được nghiên cứu và phát triển lâu đời trong các trường học và viện nghiên cứu nhằm giải các bài toán đặc thù Việt Nam như nhận dạng chữ viết, văn bản, tiếng nói tiếng Việt, hiểu và phân tích văn bản tiếng Việt. Việt Nam có nền tảng khá tốt về toán nên khi chuyển sang công nghệ thông tin, Việt Nam có thế mạnh về thuật toán và trí tuệ nhân tạo so với các mảng khác. Đặc biệt, bối cảnh thế giới và trong nước đang tạo ra “thời điểm thuận lợi” cho Việt Nam đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo.
- Xin Thứ trưởng cho biết những mục tiêu Việt Nam hướng đến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo những năm tới?
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Kế hoạch Phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ đặt ra 2 mục tiêu cụ thể. Mục tiêu đầu tiên là việc tạo ra một số sản phẩm AI của riêng Việt Nam, dựa trên lợi thế của Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước. Đồng thời tìm ra thị trường ngách để đưa sản phẩm của Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Đây là bước đi thực tế, tuy Việt Nam có nhiều tiềm năng trong AI nhưng không kỳ vọng có thể cạnh tranh ngay lập tức với các quốc gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu thứ hai hướng đến là Việt Nam phải xây dựng năng lực nội tại cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo gồm: Xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, máy móc, công nghệ để đón đầu, bắt kịp với xu hướng thế giới.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” – Mã số KH-4.0/19-25, đặt mục tiêu nghiên cứu phát triển công nghệ, ứng dụng để tạo ra một số sản phẩm cụ thể, Dự kiến một số viện, trường trọng điểm sẽ được đầu tư hệ thống máy móc dùng chung. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai các hoạt động đào tạo phi hàn lâm, thúc đẩy các khóa đào tạo ngắn hạn, khóa đào tạo tư nhân… Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục làm việc với các nhóm chuyên gia chủ chốt về AI để cùng nhau xác định và triển khai các nhiệm vụ ưu tiên trong Kế hoạch Phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025.
- Xin Thứ trưởng cho biết “hành động” của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện và cụ thể hóa để đạt mục tiêu trên?
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Trong quá trình xây dựng, Bộ đã làm việc với nhiều nhóm chuyên gia chủ chốt về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam cũng như các chuyên gia người Việt ở nước ngoài để xác định các hành động cụ thể. Theo đó, Bộ đã tổ chức gặp gỡ, các chương trình để liên kết được lực lượng nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tập hợp, kết nối họ lại cùng nhau giải quyết một số vấn đề lớn. Điển hình chương trình kết nối mạng lưới 100 nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài mới diễn ra, ngoài ra, Bộ cũng liên tục tổ chức các hội thảo, mời các nhà khoa học chủ chốt trong lĩnh vực này chia sẻ, tư vấn. Các hoạt động kết nối, liên kết, truyền thông được tổ chức định kỳ như: AI for Life, duy trì các cộng đồng nghiên cứu.
Đặc biệt, Bộ cùng với các bộ, ngành triển khai thực hiện việc xây dựng dữ liệu lớn. Đây sẽ là dữ liệu dùng chung trong các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cộng đồng. Chương trình này gắn chặt với Đề án hệ tri thức Việt số hóa đang được triển khai. Đây là đề án để tổng hợp, tích hợp các nguồn dữ liệu khác nhau để phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo.
Thời gian tới, tập trung triển khai các nghiên cứu cơ bản và đào tạo chính thống. Các đề tài nghiên cứu cơ bản trong AI sẽ được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia ưu tiên. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang đề nghị Viện toán cao cấp xác định một vài bài toán cơ bản trong lĩnh vực AI để tập hợp các nhà toán học Việt Nam trong và ngoài nước cùng giải quyết. Từ việc nghiên cứu cơ bản, Việt Nam sẽ đào tạo kiến thức cho đội ngũ nghiên cứu, sinh viên ra trường làm việc cho các doanh nghiệp làm về trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, hướng đến việc xây dựng và chia sẻ năng lực tính toán, phải có hệ thống máy móc dùng chung, triển khai các hoạt động đào tạo phi hàn lâm gồm chuyên gia, kỹ thuật viên, lồng ghép trong các chương trình đào tạo, thúc đẩy các khóa đào tạo ngắn hạn.
Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục làm việc với các nhóm chuyên gia chủ chốt về AI để cùng nhau xác định và triển khai các nhiệm vụ ưu tiên, đồng thời cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai và lồng ghép các chương trình. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xây dựng chương trình nghiên cứu và phát triển với sự kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các nhà khoa học trong và ngoài nước với hy vọng tập hợp được mọi nguồn lực để phát triển AI nói riêng và khoa học công nghệ nói chung.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo HL (TTXVN/Vietnam+)