Phòng cháy chữa cháy Công trình nhà ở kết hợp kinh doanh: Nguy cơ “nhãn tiền”
Việc sử dụng nhà ở kết hợp với kinh doanh đang có xu hướng phát triển trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, biện pháp an toàn về phòng cháy chữa cháy ở những công trình này chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Nhiều nguy cơ
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CA tỉnh), hiện nay, công trình nhà ở kết hợp kinh doanh và cơ sở sản xuất, kho hàng nằm xen kẽ trong khu dân cư ở tỉnh ta rất phổ biến, tập trung ở những tuyến đường lớn, các khu phố…Ngoài một số cơ sở có quy mô lớn, mặt bằng rộng, theo ghi nhận, hầu hết công trình nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều là nhà ống, có diện tích nhỏ, hẹp, chỉ có lối đi lại duy nhất ở cửa chính, cũng là cửa thoát nạn mà không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống khói. Chưa kể, một số cơ sở kinh doanh còn lắp đặt, câu mắc điện tùy tiện, thậm chí luồn qua chỗ để hàng hóa. Trong khi đó, hệ thống dây dẫn lại ít được chủ cơ sở kiểm tra, bảo trì thường xuyên nên nguy cơ cháy, nổ do quá tải, chạm chập là rất cao.
Công trình nhà ở kết hợp kinh doanh trở nên phổ biến ở các tuyến đường trung tâm TP Quy Nhơn. Các cơ sở này cần quan tâm làm tốt công tác PCCC.
Tại TP Quy Nhơn, nhà ở kết hợp với kinh doanh xuất hiện phổ biến trên các tuyến phố trung tâm như: Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, Tăng Bạt Hổ, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Huệ… Các chủ hộ kinh doanh thường tận dụng tầng trệt hoặc mặt tiền căn nhà chứa và trưng bày hàng hóa để kinh doanh với nhiều mặt hàng như quần áo, gas, điện dân dụng, phụ tùng ô tô... Cá biệt, có hộ còn kinh doanh cả mặt hàng hóa chất, dung môi được sử dụng trong ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ. Đáng nói, khu vực chứa hàng hóa có không ít hộ kinh doanh còn bố trí thêm trang thờ cúng có đốt hương, nến; hoặc hàng hóa để gần bếp nấu ăn. Trong khi đây đều là những mặt hàng dễ tiếp xúc với nguồn nhiệt, tia lửa điện.
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có khá nhiều cơ sở, kho hàng nằm xen kẽ trong khu dân cư, chủ yếu sản xuất mặt hàng may mặc, đồ gỗ, vật liệu quảng cáo. Trong khi đó, công tác đảm bảo an toàn về PCCC cũng chưa được chủ cơ sở kinh doanh quan tâm, do vậy nguy cơ cháy, nổ cũng luôn tiềm ẩn. Thực tế, vào năm 2016, tại cửa hàng tạp hóa theo hình thức nhà ở kết hợp với kinh doanh ở KV 2, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) đã xảy ra cháy. Đám cháy đã thiêu rụi một số vật dụng, hàng hóa trong tiệm và làm 1 người tử vong.
Tổng kiểm tra, xử lý
Theo đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CA tỉnh), việc mua bán, trao đổi dịch vụ ở các công trình nhà ở kết hợp với kinh doanh tuy không bị pháp luật nghiêm cấm, song điều quan ngại là công tác đảm bảo về an toàn PCCC đối với các cơ sở này chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ sở kinh doanh không trang bị phương tiện PCCC tại chỗ hoặc trang bị cho có, trang bị không đầy đủ, không phù hợp với môi trường xung quanh. Hơn nữa, việc nắm bắt kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác PCCC của nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn mơ hồ, chưa xác định được các nguy cơ xảy ra cháy tiềm ẩn bên trong nhà để loại trừ, phòng ngừa. Mặt khác, công trình nhà ở kết hợp kinh doanh lâu nay không nằm trong danh mục thuộc loại hình cơ sở cháy nổ nguy hiểm để quản lý về PCCC nên việc chấp hành các quy định về PCCC chủ yếu trông chờ vào ý thức của các chủ cơ sở kinh doanh”.
trên cả nước thời gian qua đã có nhiều vụ cháy, nổ xảy ra ở công trình nhà ở kết hợp với kinh doanh gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trước thực tế này, vừa qua Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ CA) đã có ý kiến yêu cầu CA các tỉnh cần tăng cường kiểm tra loại hình kinh doanh này. Đại tá Nguyễn Văn Long cho biết: “Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã lên kế hoạch và sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện công tác an toàn PCCC tại các công trình nhà ở kết hợp với kinh doanh; cơ sở, kho hàng nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra ngoài việc xử lý các vi phạm, cán bộ PCCC sẽ nhắc nhở, hướng dẫn các chủ cơ sở kinh doanh những biện pháp phòng chống cháy, nổ an toàn; kỹ năng xử lý cháy, nổ khi xảy ra. Cảnh sát PCCC cũng hướng dẫn, yêu cầu các chủ cơ sở cần trang bị đầy đủ trang thiết bị chữa cháy theo quy định”.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cũng tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá đúng thực trạng và mức độ nguy hiểm cháy, nổ tại các cơ sở mua bán theo “mô hình” nhà ở kết hợp với kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng… để có hướng dẫn cụ thể về kiến thức, kỹ năng PCCC. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC một cách sâu rộng xuống các khu dân cư, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại để người dân nắm bắt, thực hiện.
“Ngoài công tác của lực lượng PCCC các cấp, tôi yêu cầu các chủ hộ kinh doanh phải tuân thủ quy định về an toàn PCCC, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực này nhằm tự bảo vệ mình trước tiên. Khi xảy ra cháy, nổ, người dân cần kịp thời gọi về số điện thoại 114 để lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp kịp thời xử lý tình huống, hạn chế thiệt hại xảy ra”, đại tá Long nhấn mạnh.
TRỌNG LỢI