Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Ðúng nội dung, trúng đối tượng
Phát biểu tại chương trình tọa đàm hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2018 được tổ chức ngày 9.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải đảm bảo đúng đối tượng, nội dung và có hình thức phù hợp.
Theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), kể từ năm 2013, ngày 9.11 hằng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.
Chương trình tọa đàm hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2018 được tổ chức ngày 9.11.
Tích cực hưởng ứng
Trong 5 năm qua, CA tỉnh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, PBGDPL, coi đây là một nội dung của công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác. CA tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.
Theo đại tá Huỳnh Văn An, Phó Giám đốc CA tỉnh, với gần 190 buổi tuyên truyền đã tổ chức, đã có hơn 22.700 lượt người được thông tin về tình hình phòng, chống tội phạm, ma túy. Bên cạnh đó, đã thu hút hơn 103 ngàn lượt người tham gia phong trào “Phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên” tại các trường học; hơn 30.000 lượt người tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các điểm, địa bàn có tình hình ANTT phức tạp...
Trong khi đó, quá trình triển khai hưởng ứng ngày Pháp luật được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP tỉnh tổ chức thường xuyên, liên tục; trong đó, tập trung trong tháng 10 và tháng 11 hằng năm. Thực hiện quy định trong Quân đội, định kỳ mỗi tháng đều tổ chức ngày Pháp luật vào thứ Bảy tuần cuối tháng; nội dung là tuyên truyền pháp luật tập trung theo kế hoạch công tác PBGDPL của năm, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật hoặc trao đổi, tọa đàm về các vấn đề pháp luật mới nổi lên...
Gắn với việc hưởng ứng thực hiện ngày Pháp luật trong đơn vị, BĐBP tỉnh còn tích cực triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”. Trong 5 năm qua, đã tuyên truyền tập trung được hơn 700 buổi, với khoảng 93.000 lượt người nghe; tổ chức 275 buổi tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, giao lưu tìm hiểu về các vấn đề pháp lý tại các cơ quan, đơn vị và địa phương…
Với các địa phương, TX An Nhơn được đánh giá là có nhiều hoạt động hưởng ứng sôi nổi. Điểm nổi bật là thị xã đã tổ chức 3 hội thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa cho đối tượng là hội viên CCB, phụ nữ, ĐVTN xã, phường và học sinh THPT trên địa bàn. Hội thi thu hút đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân và học sinh các trường THPT trên địa bàn đến xem và cổ vũ.
“Hình thức này chuyển tải được các quy định pháp luật đến với mọi người một cách linh hoạt, nhẹ nhàng, dễ nhớ và thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều đối tượng”, Trưởng phòng Tư pháp TX An Nhơn Nguyễn Linh nhận định.
Chú trọng đồng bộ, thực chất
Dù đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, song đại tá Huỳnh Văn An vẫn khẳng định, ngành CA tỉnh sẽ đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, hướng đến phù hợp với từng loại đối tượng cần tuyên truyền; nhất là trong tuyên truyền cá biệt cần phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường, xã hội và cơ quan chức năng nhằm cảm hóa, chuyển biến số đối tượng thường xuyên vi phạm.
Còn đại tá Nguyễn Bá Bình, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, cũng cho rằng, hoạt động PBGDPL cần tập trung giải thích, trang bị kiến thức pháp luật, những điểm mới, điểm khó hiểu, nhân dân hay vướng mắc trong cuộc sống để tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền phải được tiến hành một cách linh hoạt, ưu tiên xây dựng các tiểu phẩm ngắn, các tờ rơi, tờ gấp pháp luật, bảo đảm dễ nhớ, dễ hiểu, cụ thể hóa các nội dung văn bản pháp luật để tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Hiện nay, BĐBP tỉnh đang triển khai biên soạn, phát hành 7.000 tờ gấp pháp luật để tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017 và Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”. “Lâu nay, tờ rơi, tờ gấp đều làm bằng giấy. Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp trên thay đổi chất liệu bằng nhựa để ngư dân dễ sử dụng, bảo quản”, đại tá Bình cho hay.
Ghi nhận nhiều cách làm hay, tích cực đã có, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh đến công tác phối hợp của các ngành, đơn vị, địa phương để hoạt động PBGDPL đạt hiệu quả thực chất. Qua đó, ổn định tình hình ANTT, tạo nền tảng cho phát triển KT-XH.
“Quan trọng nhất là xác định đúng đối tượng, từ đó chọn nội dung tuyên truyền phù hợp. Cùng với đó là chọn hình thức tuyên truyền sao cho dễ hiểu, dễ vận dụng vào cuộc sống”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phân tích.
Huy động xã hội hóa truyền thông ngày Pháp luật
Theo thông tin từ Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp), thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, năm nay, Sở đã huy động được hơn 60 triệu đồng từ 23 DN để thực hiện treo 8 băng rôn, 250 phướn tại các tuyến đường chính ở TP Quy Nhơn và dọc tuyến QL 1A. Ðặc biệt, tại TX An Nhơn và huyện Hoài Nhơn, nội dung tuyên truyền thực hiện ngày Pháp luật còn gắn với việc xây dựng, thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017, hoạt động truyền thông ngày Pháp luật cũng được thực hiện xã hội hóa; qua đó huy động được 35 triệu đồng từ 34 DN; thực hiện treo 16 băng rôn, 150 phướn truyền thông về ngày Pháp luật tại các tuyến đường chính ở TP Quy Nhơn.
NGUYỄN VĂN TRANG