Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin: Nỗ lực vượt qua thách thức
Nỗ lực với sứ mệnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, đến nay Bình Ðịnh đã đạt được một số kết quả khả quan. Song, khi địa hình địa vật thay đổi, những mẫu sinh phẩm hài cốt bị phân hủy theo thời gian, câu chuyện đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà, trả lại tên, quê quán, năm sinh... cho các bia mộ các anh đang gặp không ít thách thức.
Bình Định đã đạt được một số kết quả khả quan trong công tác quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
- Trong ảnh: Nhân viên Bưu điện tỉnh thu thập cơ sở dữ liệu mộ liệt sĩ phục vụ cho cổng thông tin điện tử quốc gia và phần mềm quản lý mộ liệt sĩ.
Tập trung quy tập
Sau 3 năm thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 147 thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ do các tổ chức và nhân dân cung cấp. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ CHQS tỉnh đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ các cơ quan, hội đoàn thể, UBND các cấp xác minh, phân tích, kết luận cụ thể từng nguồn thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ, để tiến hành khảo sát, quy tập đúng quy định. Đến nay, đã tổ chức 147 đợt khảo sát, quy tập tại 142 địa điểm nghi có mộ liệt sĩ. Kết quả, khai quật, tìm kiếm được 88 mộ có hài cốt liệt sĩ, trong đó 67 mộ biết tên, 21 mộ chưa biết tên; còn lại 54 vị trí không tìm thấy hài cốt, di vật.
“Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là chính sách nhân văn của Ðảng, Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là gia đình liệt sĩ. Công tác này khó và nhạy cảm, nên rất cần sự nỗ lực, đòi hỏi cái tâm trong sáng, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của tất cả các ngành, tập thể và cá nhân có liên quan”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH
Phản hồi từ các địa phương đều cho thấy công tác tìm kiếm, quy tập hết sức khó khăn. Từ năm 2016 đến 2018, Ban CHQS huyện Hoài Ân triển khai khảo sát, tìm kiếm ở 36 khu vực được thông tin là có mộ liệt sĩ nhưng chỉ tìm được 7 mộ có hài cốt liệt sĩ. Lực lượng liên quan đã dành nhiều thời gian, tâm sức song kết quả thu về đều rất ít ỏi.
Thượng tá Đinh Văn Tân, Chính trị viên Ban CHQS huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm: “Địa bàn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là rừng núi, các di tích trạm xá, trạm phẫu, đường mòn giao liên cũ... sau 40 năm đã thay đổi. Các nhân chứng lịch sử sinh sống trên địa bàn còn ít, hoặc đã tuổi cao, lúc nhớ lúc quên, thiếu chính xác. Có những trường hợp phải tìm kiếm rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả. Như trường hợp cô Lê Thị Hồng Phúc (63 tuổi, ở TP Quy Nhơn) đi tìm hài cốt anh trai là liệt sĩ Lê Tấn Đức với thông tin địa điểm mai táng là làng K7 cũ, xã Vĩnh Kim. Địa phương và người nhà đã nhiều lần thực hiện khảo sát, tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ”.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2016 - 2018 và đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2017 - 2018 vừa qua, Đại tá Cao Thứ, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cũng cho rằng: Việc một số đơn vị của Bộ, Quân khu từng đứng chân, chiến đấu trên địa bàn tỉnh trong các cuộc kháng chiến đến nay đã cung cấp thông tin nhưng chưa đầy đủ về số lượng quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích, thông tin về nơi chôn cất, an táng ban đầu, sơ đồ mộ chí liệt sĩ đã làm cho công tác tìm kiếm, quy tập hết sức khó khăn. Chưa kể, sau chiến tranh, nhiều đơn vị giải thể, sáp nhập, công tác bàn giao hồ sơ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí, hồ sơ quy tập hài cốt liệt sĩ giữa các đơn vị với địa phương chưa chặt chẽ, công tác lưu trữ chưa tốt, dẫn đến bị thất lạc, hư hỏng.
Xác định mộ thiếu thông tin
Toàn tỉnh hiện có 105 nghĩa trang liệt sĩ và 30.230 mộ liệt sĩ. Trong đó, mộ có đầy đủ thông tin là 16.443 mộ, mộ có một phần thông tin là 3.791 mộ, mộ chưa biết thông tin là 8.598 mộ, mộ không có hài cốt là 1.398 mộ. Đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã rà soát, hoàn thiện bổ sung thông tin hồ sơ liệt sĩ, hồ sơ quân nhân mất tin, mất tích và nhập danh sách đưa vào cơ sở dữ liệu 17.514 trường hợp.
Hiện nay, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện bằng 2 phương pháp: giám định ADN và phương pháp thực chứng. Trong thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2017-2018, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan lấy mẫu sinh phẩm của 58 hài cốt liệt sĩ đề nghị Cục Người có công xem xét chuyển cơ quan giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ. Riêng phương pháp thực chứng, trên cơ sở phối hợp với Bộ CHQS tỉnh và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ xem xét, khớp nối thông tin, từ năm 2016 đến tháng 10.2018, Sở LĐ-TB&XH đã điều chỉnh thông tin, bổ sung thông tin trên bia mộ cho 118 mộ liệt sĩ; giải quyết di chuyển hài cốt liệt sĩ về nguyên quán 78 trường hợp.
Trước khó khăn là rất nhiều mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ phần lớn đã bị phân hủy theo thời gian, ảnh hưởng đến kết quả giám định, ông Cao Văn Ba, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, góp ý kiến: “Nên đề xuất Cục Người có công cho phép lấy mẫu sinh phẩm ở tất cả các mộ liệt sĩ có hài cốt chưa đủ thông tin, thực hiện giám định và lưu trữ tại ngân hàng gen để làm cơ sở cho các gia đình tìm kiếm mộ, hài cốt liệt sĩ”.
Ông Lâm Văn Lành, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn, chia sẻ thêm: “Một số thân nhân liệt sĩ ở tuổi gần đất xa trời nên càng nóng ruột, dễ hành động chủ quan như tin theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm. Chúng tôi đã gặp những trường hợp dù chưa đủ căn cứ, địa phương chưa đồng ý nhưng thân nhân liệt sĩ vẫn tự động khắc thông tin lên bia mộ, gây khó cho công tác quản lý. Chúng tôi đề xuất các ngành có những hướng dẫn phù hợp với thực tế hơn để địa phương thực hiện công tác này hiệu quả hơn”.
Ðặt mục tiêu phấn đấu số lượng cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ trong năm 2019 khoảng 25 hài cốt liệt sĩ, Ðại tá Cao Thứ yêu cầu Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố rà soát kết quả phiếu cung cấp thông tin về liệt sĩ, xác minh kết luận các thông tin có ghi nơi chôn cất liệt sĩ, xây dựng kế hoạch tìm kiếm, quy tập theo đúng quy định; hoàn thành việc hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Ðồng thời, tiếp tục tiếp nhận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ do tổ chức, cá nhân, gia đình liệt sĩ cung cấp; kết nối, xử lý thông tin kịp thời chính xác để tổ chức xác minh và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và bàn giao cho gia đình, ngành LÐ-TB&XH; tập trung mọi nỗ lực tìm kiếm các khu vực căn cứ cách mạng, trạm xá, địa bàn có trận đánh lớn...
NGUYỄN MUỘI