Majorica, người viết văn xuôi bằng chữ Nôm
Girolamo Majorica là một trong 4 học trò đầu tiên học tiếng Việt từ linh mục Bề trên Buzomi tại Nước Mặn, ông là một trong rất ít người đầu tiên viết văn xuôi bằng chữ Nôm, được ghi nhận là người khởi xướng và chủ biên 48 cuốn sách bằng chữ Nôm.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Girolamo Majorica.
Majorica sống 5 năm ở Nước Mặn (1624-1629), 5 năm ở Nước Mặn học tiếng Việt từ Buzomi là nền tảng rất quan trọng đối với sự nghiệp văn học của Majorica sau này. Bởi vì, 5 năm ấy đã tạo cho Majorica vốn tiếng Việt tương đối đầy đủ, đó là tiếng Việt xứ Đàng Trong.
Hai thập niên 20 và 30 thế kỷ XVII, là thời kỳ lịch sử rất quan trọng, chẳng những về mặt tôn giáo, mà cả về mặt văn học, đặc biệt là ngôn ngữ. Trước khi chữ Quốc ngữ ra đời, để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng, các thừa sai vừa dùng chữ Hán, vừa sử dụng chữ Nôm. Quyển giáo lý đầu tiên của các nhà truyền giáo Dòng Tên được soạn thảo ngay tại Nước Mặn vào năm 1618 và đây chính là quyển sách đạo đầu tiên bằng chữ Nôm.
Trong khoảng 30 năm hoạt động truyền giáo ở Đại Việt (cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài), Girolamo Majorica khởi xướng và chủ biên tới 48 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm. Từ những trao đổi đương thời của các tu sĩ Dòng Tên và các tác phẩm, có thể thấy rõ chúng được viết với sự cộng tác của các tín hữu người Việt. Hầu hết trong số đó là những người dạy giáo lý được gọi là Thầy giảng, họ là những người có chữ nghĩa và thường có địa vị trong cộng đồng trước khi vào Kitô giáo.
Girolamo Majorica là một trong những nhà văn đầu tiên viết tản văn chữ Nôm, những tác phẩm này được xem là có vai trò độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam, là cứ liệu quan trọng để nghiên cứu chữ Nôm, phương ngữ, từ vựng và ngữ âm lịch sử của tiếng Việt. Phần lớn tác phẩm của Majorica là văn xuôi, viết theo nhiều thể loại như: lịch sử, luận thuyết. Nổi tiếng nhất là cuốn Các Thánh truyện (1646). Hiện nay, Thư viện Quốc gia Paris lưu trữ 15 cuốn sách của Girolamo Majorica với 4.200 trang. Mỗi trang có từ 9 đến 12 dòng, mỗi dòng có từ 30 đến 34 chữ Nôm, tổng cộng có khoảng 1,4 triệu chữ. Ngoại trừ 1 tác phẩm chưa xác định được danh tính tác giả, tất cả những tác phẩm Kitô giáo chữ Nôm thế kỷ XVII còn lưu truyền đến ngày nay đều của Majorica.
Có thể nói, Girolamo Majorica là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử ngôn ngữ và văn học Việt Nam, ông có một chỗ đứng thật đặc biệt, đại diện cho văn xuôi Nôm thế kỷ XVII và Nước Mặn, Quy Nhơn là nơi đào tạo nền tảng tiếng Việt cho Majorica.
Trong “Lịch sử văn học công giáo Việt Nam”, Võ Long Tê nhận xét: Tác phẩm chữ Nôm của Girolamo Majorica đã đánh dấu một chặng đường tiến triển khả quan. Ngoài một số ít danh từ vay mượn của Trung Hoa, Majorica đã làm giàu ngôn ngữ Công giáo Việt Nam bằng hai cách: Một là trực tiếp phiên âm tiếng Latin như: Giêsu, Inaxu, Phêrô, Phanxicô Xavie, Giêrusalem, Isave, Giudêu, Câu-rút, Phiritô xăngtô, Xăngti Sacaramentô. Lối này rất hợp lý đối với những danh từ riêng. Còn đối với những danh từ chung như Câu-rút, các thế hệ sau sẽ thay thế bằng những danh từ dịch ý như Thập giá, Thập tự. Hai là lối dịch ý như trường hợp các danh từ Đức Chúa Trời, Rất Thánh Đức Bà mà ngày nay vẫn còn thông dụng.
Đóng góp lẫy lừng của Majorica là sáng chế một số từ ngữ giản dị mà sâu sắc, hợp với tinh thần tiếng Việt và vừa tầm hiểu biết của giới bình dân: Phó mình đi tu hành, Phúc mọn, đánh tội, giải tội, dốc lòng chừa, ý Đức Chúa Trời sâu nhiệm lắm. Ngoài ra, có một số từ ngữ Phật giáo và Nho giáo được thánh hóa để diễn tả những khái niệm Công giáo như ác nghiệt, ăn chay, lời khấn.
Lúc bấy giờ, chữ Quốc ngữ chưa hoàn thiện và phổ biến, Nho học đang được sùng thượng, phong trào thi văn chữ Nôm đang phát triển, những tác phẩm của Majorica đã đem lại nguồn cảm hứng mới cho văn học chữ Nôm và xứng đáng là những tác phẩm tiên phong của loại truyện Nôm. Tác phẩm viết bằng chữ Nôm của Girolamo Majorica là những tư liệu quý báu giúp chúng ta tìm hiểu phương pháp giảng đạo, ngôn ngữ công giáo và văn học chữ Nôm trong nửa đầu thế kỷ XVII.
Girolamo Majorica (1581-1656) sinh quán tại Napoli (Ý). Năm 1623, Majorica được cử đi Macao, làm việc ở Macassar. Trong năm 1624, Bề trên Dòng Tên ở Macao cử 6 linh mục sang truyền giáo tại Ðàng Trong; trong số này, hai thừa sai đến Nước Mặn học tiếng Việt với Francesco Buzomi là: Gaspar Luis và Girolamo Majorica. Alexandre de Rhodes và Antonio Fontes ở lại Kẻ Chàm (Quảng Nam) để học tiếng Việt với Francisco de Pina, hai thừa sai: Gabriel de Mattos và Emmanuel Gonzales về làm việc tại cư sở Hội An, giúp cho Kitô hữu Nhật kiều, không cần học tiếng Việt.
NGUYỄN THANH QUANG