Thư đi Tin lại
Tuần qua, tòa soạn Báo Bình Định đã nhận được đơn, thư, phản ánh của bà Phạm Thị Thu Hằng, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn. Nội dung phản ánh như sau:
Trước đây, mẹ ruột bà có ngôi nhà ở và đã đăng ký hộ khẩu tại phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn. Năm 1998, mẹ bà bị tai biến nặng, phải bán nhà để có tiền chữa bệnh, rồi vào tạm trú ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn. Mẹ bà bị bệnh đã 20 năm nằm một chỗ, gia đình hết sức khó khăn. Hiện tại bà đã làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng cho mẹ, nhưng chưa được ngành chức năng xem xét, giải quyết.
Gửi kèm theo đơn là văn bản số 239/LĐTBXH ngày 12.10.2018 của Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn xin ý kiến chỉ đạo của Sở LĐ- TB&XH về việc thực hiện chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật không có sổ hộ khẩu tại địa phương, do Phó trưởng phòng Nguyễn Hoàng Thân (ký tên và đóng dấu), có nội dung: “Phòng LĐ-TB&XH thành phố nhận được đề nghị hưởng trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật của bà Phạm Thị Hường, SN 1944, có hộ khẩu thường trú KV 6, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, nhưng hiện nay không còn nhà, không còn sinh sống tại địa phương (do đã chuyển đến sinh sống tại phường Ngô Mây từ năm 2010 nhưng không thể làm hộ khẩu thường trú được tại nơi cư trú mới, chỉ có sổ tạm trú tại KV 7, phường Ngô Mây).
Theo quy định của Chính phủ thì hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định phải có “bản sao Sổ hộ khẩu” . Vậy trường hợp của bà Hường nộp hồ sơ xét duyệt hưởng trợ cấp xã hội tại nơi có hộ khẩu thường trú (phường Lê Hồng Phong) hay nơi có sổ tạm trú (phường Ngô Mây). Nếu trường hợp hồ sơ xét duyệt tại phường Ngô Mây thì cần thủ tục như thế nào? Kính đề nghị Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo bằng văn bản để Phòng có cơ sở thực hiện.
Như vậy, vấn đề bà phản ánh, đã được Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn tiếp nhận, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để thực hiện.
B.B.Đ