Thay đổi trong đánh giá kết quả cải cách hành chính: Hướng đến sâu sát, toàn diện
Xây dựng lại bộ chỉ số đánh giá với các tiêu chí sâu sát, cụ thể; nâng mức điểm điều tra xã hội học; tăng lượng phiếu điều tra… là những thay đổi đáng chú ý trong hoạt động đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2018.
Những thay đổi đó được thể hiện qua các văn bản vừa được UBND tỉnh ban hành, gồm: Bộ chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính (CCHC); Quy định việc đánh giá, chấm điểm, xếp hạng chỉ số CCHC đối với các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Kế hoạch tổ chức đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng chất lượng thực tế
Bộ Chỉ số đánh giá CCHC đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh gồm 3 phụ lục: phụ lục I áp dụng đối với các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh (66 tiêu chí và 22 tiêu chí thành phần); phụ lục II áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (68 tiêu chí và 23 tiêu chí thành phần), phụ lục III áp dụng đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (68 tiêu chí và 31 tiêu chí thành phần).
Người dân được hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP Quy Nhơn.
Theo ông Nguyễn Thanh Vũ - Quyền Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ), Bộ Chỉ số đã được xây dựng lại, theo hướng khắc phục những hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh trong thời gian qua. “Quan trọng là tập trung đánh giá sát với tình hình thực tế và gắn việc đánh giá CCHC với thực hiện nội dung cải cách tổ chức bộ máy, biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) và các kế hoạch triển khai của Tỉnh ủy, UBND tỉnh”, ông Vũ cho hay.
Đáng chú ý, với lĩnh vực hiện đại hóa hành chính, bên cạnh thang điểm do Bộ Nội vụ quy định, công tác đánh giá gắn với các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số hiện đại hóa nền hành chính công. Quan điểm chung là đánh giá chính xác chất lượng, không chạy theo số lượng; khuyến khích các cơ quan, đơn vị có giải pháp để thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức hiểu và thực hiện.
Ví dụ, hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở các sở, ngành được đánh giá dựa theo hồ sơ thực hiện trên thực tế, chứ không dựa vào số thủ tục công bố. Theo đó, tỉ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ đạt 80% trở lên thì được tính 2 điểm, từ 60 đến dưới 80% chỉ được 1 điểm.
Mở rộng diện khảo sát
Năm 2017, lần đầu tiên hoạt động đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện qua điều tra xã hội học. Dù có nhiều kết quả đáng ghi nhận, song hoạt động này vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Võ Năm cho rằng, lượng phiếu điều tra còn ít, khó đánh giá toàn diện, chuẩn xác sự hài lòng của người dân, tổ chức. Để khắc phục hạn chế đó, lượng phiếu điều tra, khảo sát của năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017, với 4.400 phiếu.
Phương pháp chọn mẫu được tính theo tỉ lệ số lượng người dân và tổ chức có giao dịch thủ tục hành chính trong năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đối với các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, từ 500 giao dịch thủ tục hành chính trở lên chọn 100 phiếu, từ 100 đến dưới 500 giao dịch chọn 50 phiếu, dưới 100 giao dịch chọn 30 phiếu.
Một điểm đáng chú ý khác là sự thay đổi về kết cấu thang điểm đánh giá đối với các cơ quan, đơn vị. Theo đó, điểm tự đánh giá là 75 điểm, điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 25 điểm (kết cấu của năm 2017 là 80 - 20). Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh Trương Quang Phong, những sự thay đổi này sẽ giúp cho hoạt động điều tra xã hội học thêm toàn diện, chính xác; song cũng đặt ra nhiều áp lực đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Ông Phong cũng cho hay, ngay trong tuần này, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với nội dung điều tra xã hội học, hướng tới mục tiêu dễ hiểu, dễ trả lời, phù hợp với trình độ dân trí của đối tượng điều tra.
NGUYỄN VĂN TRANG