Đánh giá việc nêu gương của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ
Đó là đề nghị của UBND tỉnh với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên (nhất là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã) tại công văn về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 vừa được UBND tỉnh ban hành.
Kiểm tra tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở tại thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ. Ảnh: MAI LÂM
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc thực hiện Pháp lệnh 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sau hơn 10 năm qua đã góp phần phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc tổ chức triển khai thực hiện ở một số địa phương chưa toàn diện, hiệu quả chưa cao, có nơi còn biểu hiện hình thức; tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời, có trường hợp kéo dài gây bức xúc, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh 34/2007 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu. Đáng chú ý là thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin; rà soát và thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ các nội dung theo quy định của Pháp lệnh 34/2007. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính, giờ giấc làm việc, đạo đức công vụ, văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với công dân.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu hoạt động đối thoại với nhân dân phải trở thành nhiệm vụ mang tính thường xuyên của chính quyền cấp xã và là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của chủ tịch UBND cấp xã.
UBND tỉnh cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, cấp xã nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các nhiệm vụ thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc: mọi chủ trương, chính sách, nhiệm vụ xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân và được sự đồng thuận trong nhân dân.
LÊ DŨNG LINH